Việc tổ chức Năm Du lịch quốc gia - Điện Biên 2024 sẽ tạo động lực quan trọng đẩy mạnh huy động các nguồn lực đầu tư phát triển, tăng cường kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội; khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân; bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc và di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ. Năm Du lịch quốc gia - Điện Biên 2024 cũng góp phần kích cầu du lịch nội địa và quốc tế, phục hồi hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới, tạo bước phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và xây dựng tỉnh Điện Biên thành một trong những trung tâm du lịch của vùng Trung du miền núi Bắc Bộ.
Tỉnh Điện Biên hiện có 33 di tích lịch sử được xếp hạng, trong đó 01 di tích quốc gia đặc biệt, 14 di tích cấp quốc gia, 16 di tích cấp tỉnh; 18 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; nghệ thuật Xòe Thái và Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái được UNESCO đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Để thu hút du khách đến với tỉnh Điện Biên, chương trình Năm Du lịch Quốc gia Điện Biên 2024 được xây dựng gồm 169 sự kiện, trong đó 13 sự kiện quy mô Quốc gia do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các bộ, ngành Trung ương tổ chức; 28 sự kiện do tỉnh Điện Biên tổ chức và gần 130 hoạt động hưởng ứng Năm Du lịch Quốc gia. Việc đẩy mạnh đầu tư phát triển du lịch đang là một trong các ưu tiên hàng đầu của tỉnh.
Tuy nhiên, nếu sự phát triển quá nhanh các hoạt động du lịch nhưng thiếu quy hoạch đồng bộ sẽ ảnh hưởng đến đời sống dân cư, văn hóa bản địa, phá vỡ cảnh quan thiên nhiên, đe dọa phát triển du lịch trong tương lai.
Xác định môi trường đóng vai trò quyết định trong việc định hướng phát triển du lịch theo hướng bền vững, trong những năm qua, tỉnh Điện Biên đã chỉ đạo các địa phương, ngành chức năng có định hướng quy hoạch du lịch gắn với ưu tiên bảo vệ môi trường, góp phần tạo cảnh quan, cải thiện khí hậu khu vực và hướng đến một nền du lịch xanh, bền vững. Tỉnh ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch thân thiện với môi trường, đồng thời tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ môi trường để phòng ngừa, ngăn chặn các nguồn gây ô nhiễm mới; kiểm soát nguồn ô nhiễm, suy thoái môi trường từ các hoạt động phát triển kinh tế có ảnh hưởng đến môi trường tại các khu, điểm du lịch như xây dựng, phát triển công nghiệp, giao thông vận tải, nuôi trồng thủy sản, sản xuất ở các làng nghề truyền thống... Tỉnh cũng ưu tiên nguồn lực bảo vệ các hệ sinh thái và đa dạng sinh học... Tuy nhiên, vấn đề bảo vệ môi trường để phát triển du lịch vẫn là một thách thức trong giai đoạn hiện nay.
Vì vậy, các ngành chức năng của tỉnh cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để bảo vệ môi trường, góp phần tạo cảnh quan, cải thiện khí hậu khu vực và hướng đến một nền du lịch xanh, bền vững. Trong đó, tập trung tăng cường các biện pháp tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường. Dự báo, cảnh báo kịp thời, chính xác các hiện tượng thủy văn, chủ động ứng phó với mọi biến đổi của khí hậu. Đồng thời, tổ chức đào tạo, tập huấn tại chỗ cho cán bộ, nhân dân địa phương, nhất là nơi có khu, điểm du lịch. Phối hợp với hội, đoàn thể, quần chúng tại cơ sở để duy trì và phát động các phong trào vệ sinh môi trường. Phối hợp với các cấp chính quyền cơ sở, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, Ban Quản lý các khu du lịch để xây dựng, ban hành các quy định về bảo vệ môi trường du lịch. Bên cạnh đó, thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng để thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường, xử lý và khắc phục các hậu quả ô nhiễm, suy thoái môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học do tác động của hoạt động du lịch. Tại các khu, điểm du lịch cần bổ sung thêm pano, khẩu hiệu tuyên truyền về công tác bảo vệ môi trường. Khuyến khích phát triển các cơ sở dịch vụ xử lý chất thải, áp dụng công nghệ để ứng phó với các sự cố môi trường. Cùng với đó, quy hoạch tổng thể phát triển ngành du lịch phải gắn với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, xã hội, quy hoạch tài nguyên môi trường; thực hiện tốt quy hoạch về nguồn cung cấp nước sạch cho khu vực đô thị và nông thôn, nhất là các địa điểm du lịch trọng điểm... Với sự chủ động và ý thức của các cấp, ngành và của người dân trong việc chú trọng công tác bảo vệ môi trường chung tại các khu, điểm du lịch sẽ góp phần đưa du lịch Điện Biên đến gần hơn với du khách trong nước và quốc tế./.