Phòng Quản lý đất đai đã trải qua nhiều giai đoạn thời kỳ khác nhau và ở mỗi giai đoạn, đều có những đóng góp nhất định cho sự nghiệp xây dựng và phát triển của ngành tài nguyên và môi trường. Tháng 10/2003, sở Tài nguyên và Môi trường được thành lập theo Quyết định số 63/QĐ-UB của UBND tỉnh Lai Châu (cũ), trong đó có phòng Quy hoạch - cấp đất thuộc Sở (gồm 5 cán bộ công chức); đến ngày 10/7/2009, phòng đổi tên thành phòng Quản lý đất đai thuộc Sở; đến ngày 01/7/2016, thành lập Chi cục Quản lý đất đai thuộc Sở (Chi cục gồm có 02 phòng: Phòng Hành chính – tổng hợp và phòng Nghiệp vụ và Kinh tế đất với 11 cán bộ công chức); đến ngày 29/12/2021, UBND tỉnh quyết định về việc kiện toàn tổ chức bộ máy và chức năng nhiệm vụ quyền hạn của Sở Tài nguyên và Môi trường (giải thể Chi cục Quản lý đất đai và thành lập phòng Quản lý đất đai) tại Quyết định số 3334/QĐ-UBND, Sở đã ban hành Quyết định số 03/QĐ-UBND ngày 04/01/2022 về việc điều động công chức, theo đó một số công chức từ Chi cục Quản lý đất đai điều động sang phòng Quản lý đất đai thuộc Sở với tổng số cán bộ công chức là 8 người (2/8 có trình độ thạc sỹ, 6/8 có trình độ đại học).
Trong 20 năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương triển khai làm tốt công tác Quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn toàn tỉnh. Trong giai đoạn này kết quả thực hiện nhiệm vụ quản lý đất đai đã đạt được một số thành tựu nổi bật; kết quả đạt được như sau:
Công tác tham mưu ban hành văn bản: Đã kịp thời tham mưu cho lãnh đạo sở các văn bản quy phạm pháp luật và nhiều văn bản hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về đất đai nhằm cụ thể hoá các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng các văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với quy định của pháp luật, bảo đảm tính khả thi, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước như: Tham gia sửa đổi bổ sung Luật Đất đai năm 2003 và Luật Đất đai năm 2013, ban hành các văn bản quy định về thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư, giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giá đất … Từ đó góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai; nhận thức, hiểu biết về chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với quản lý đất đai các tổ chức, cá nhân và người dân từng bước được nâng lên.
Công tác thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất trên địa bàn tỉnh Điện Biên trong những năm qua đã thực hiện theo trình tự của pháp luật đất đai. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đất đai đã được ban hành kịp thời, tạo hành lang pháp lý tương đối hoàn chỉnh, cơ bản phù hợp với thực tế, đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý nhà nước về đất đai, tạo điều kiện phát huy nguồn nội lực đất đai để góp phần giải quyết các vấn đề dân sinh, ổn định xã hội, phát triển kinh tế. Các dự án được giao đất, thuê đất đã và đang phát huy hiệu quả, từng bước củng cố và tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn, hạn chế tình trạng các dự án triển khai chậm, dự án treo … Giai đoạn 2003 – 2013: Thực hiện giao đất tại 651 vị trí, diện tích 63.207 ha; cho thuê đất tại 275 vị trí, diện tích 4.537ha; Chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho 21 vị trí, diện tích đất 6,15 ha. Chuyển hình thức sử dụng đất từ giao đất không thu tiền sử dụng đất sang thuê đất thu tiền sử dụng đất hàng năm với tích 1,57ha. Giai đoạn 2013 – đến nay: Giao đất không thu tiền sử dụng đất cho 220 trường hợp với diện tích 36.133,98 ha; giao đất có thu tiền sử dụng đất cho 2 dự án với diện tích 6,26ha; cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất cho 176 dự án với tổng diện tích 1.357,26h; cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất 03 trường hợp với diện tích 0,58ha; thu hồi đất của 13 tổ chức giao địa phương quản lý và Trung tâm phát triển quỹ đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường với diện tích 227,55ha. Giao đất, giao rừng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho 03 ban quản lý rừng phòng hộ, 02 ban quản lý rừng đặc dụng và Công an tỉnh với tổng diện tích đất là 62.288,76ha; trong đó rừng phòng hộ 15.699,25 ha, tổng diện tích đất rừng đặc dụng 46.585,13 ha, rừng sản xuất 4,38ha. Thực hiện giao đất, bố trí đất sản xuất nông nghiệp cho các hộ gia đình, cá nhân theo Đề án 79 (Quyết định số 79/QĐ-TTg ngày 12/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ): Giao đất, bố trí đất sản xuất nông nghiệp cho 974/1.319 hộ, tổng diện tích đất phải giao là: 2.010,76ha, trong đó đất ở 38,96/52,76 ha, đất sản xuất 931,16/1.958 ha. Giao đất ở tái định cư chủ yếu trên địa bàn UBND thành phố theo các dự án thành phần của dự án tái định cư Thủy điện Sơn La cho 195 hộ với tổng diện tích giao: 22.982,1 m2 đất ở; giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Điện Biên cho 5.263 cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân với tổng diện tích đất là 275.360,79ha. Nhìn chung, việc sử dụng đất ngày càng tiết kiệm và hiệu quả hơn, quỹ đất được bố trí sử dụng hợp lý và bước đầu đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo, an ninh, quốc phòng, an ninh lương thực, phát triển đô thị, dịch vụ theo yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Đẩy mạnh việc thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đảm bảo cho người sử dụng đất thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ khi được cấp giấy chứng nhận, giúp cho công tác quản lý nhà nước về đất đai ngày càng chặt chẽ, sử dụng đất có hiệu quả. Đã cấp 326.796 Giấy chứng nhận với 657.643,33 ha, trong đó cấp cho tổ chức: 3.523 Giấy chứng nhận với diện tích 82.597,89 ha; cấp cho hộ gia đình, cá nhân là 323.273 Giấy chứng nhận với diện tích 575.045,44 ha, đạt 91,28 % diện tích đất cần cấp trên địa bàn toàn tỉnh (Đất sản xuất nông nghiệp đã cấp được 86.539,86 ha, với 47.573 Giấy; Đất lâm nghiệp đã cấp được 322.431.10 ha, với 44.043 Giấy; Đất ở nông thôn đã cấp được 828,0 ha, với 22.320 Giấy; Đất ở đô thị đã cấp được 525,5 ha, với 28.298 Giấy chứng nhận; Đất chuyên dùng đã cấp được 2.671.01 ha, với 2.340 giấy).
Công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất: Luật đất đai sửa đổi năm 2003, Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản pháp lý liên quan được ban hành, có hiệu thi hành đã góp phần tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trong bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; cơ bản phù hợp với chế độ về đất đai trên thực tế. Nhất là kể từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đã quy định rõ nguyên tắc bồi thường về đất và nguyên tắc bồi thường thiệt hại về tài sản gắn liền với đất, cây trồng, vật nuôi là thủy sản bị thiệt hại khi bị Nhà nước thu hồi. Đặc biệt đã giải quyết công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư với các dự án, đề án lớn như: Dự án thuỷ điện Sơn La, dự án đường 60m trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ, đề án 79 theo quyết định số 79/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, quốc lộ 6, quốc lộ 12, quốc lộ 279, khu dân cư đô thị, nông thôn, các dự án thuỷ điện (Thuỷ điện: Nậm He, Nậm mức, Trung thu, Nậm Núa, Mường Luân, Sông Mã, Long Tạo, Mùn Chung …), Dự án Cảng Hàng không Điện Biên…
Công tác giá đất, phòng đã tham mưu lãnh đạo Sở tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định bảng giá các loại đất, xác định giá đất cụ thể trên địa bàn tỉnh, đồng thời hướng dẫn các huyện thị xã, thành phố triển khai và xử lý các khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện bảng giá đất …
Tài chính đất đai và thị trường bất động sản. Công tác đấu giá đất, việc Nhà nước công nhận đất có giá là nền tảng quan trọng để phát huy nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội, là cơ sở cho việc hình thành thị trường bất động sản. Nhiều chính sách liên quan đến tài chính đất đai được ban hành như đổi đất lấy hạ tầng, đấu giá, đấu thầu dự án có sử dụng đất... Chính phủ quy định phương pháp xác định giá đất, khung giá các loại đất, phòng tham mưu lãnh đạo Sở tham mưu UBND tỉnhxây dựng giá đất cụ thể tại địa phương. Nguồn thu từ giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng liên tục tăng và trở thành nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội. Đối với thị trường bất động sản khi hoạt động theo đúng quy luật thì hàng năm có thể tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Phòng đã tham mưu cho lãnh đạo Sở tham mưu UBND tỉnh một số dự án lớn như: Dự án Trung tâm thương mại và Nhà ở thương mại thành phố Điện Biên Phủ, dự án Khu dân cư đô thị mới phía Bắc đường Hoàng Văn Thái - Khe Chít, thành phố Điện Biên Phủ; các khu đất đấu giá như: khu đất Bến xe khách tỉnh phường Thanh Bình, thành phố Điện Biên Phủ; Khu đất X78 xã Thanh xương, huyện Điện Biên; khu thương mại dịch vụ dọc trục đường 60m thành phố Điện Biên Phủ … Tuy nhiên, hiện nay thị trường quyền sử dụng đất và thị trường bất động sản của tỉnh vẫn đang hoạt động ở mức độ thấp.
Các nhiệm vụ cải cách hành chính: Phòng Quản lý đất đai không ngừng tăng cường công tác rà soát, đề nghị cắt giảm TTHC, quy trình giải quyết TTHC liên quan đến đất đai không cần thiết gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, thành phần hồ sơ và tối ưu hóa quy trình giải quyết thủ tục hành chính; bảo đảm, phát huy quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp. Hàng năm, Phòng tham mưu Lãnh đạo sở thực hiện rà soát thủ tục hành chính trong lĩnh vực ngành quản lý. Việc thực hiện tốt chủ trương cải cách thủ tục hành chính, đã rà soát và cắt giảm được nhiều thủ tục hành chính trong Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản quy định chi tiết thi hành, được dư luận xã hội đánh giá cao.
Với những kết quả đã đạt được nêu trên, phòng Quản lý đất đai nhiều năm được UBND tỉnh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tặng danh hiệu tập thể lao động xuất sắc được UBND tỉnh tặng bằng khen, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tặng giấy khen; nhiều cá nhân trong phòng được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh tặng bằng khen, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tặng giấy khen./.
Cán bộ, công chức Phòng Quản lý đất đai