Hài hòa lợi ích đôi bên
Thời gian đăng: 29/08/2016 08:00:00 AM
ĐBP - Trong chuyến công tại huyện Tủa Chùa vừa qua, một trong những vấn đề được Chủ tịch UBND tỉnh Mùa A Sơn quan tâm chỉ đạo cơ sở phải tập trung giải quyết là khó khăn, vướng mắc tại mỏ đá Pằng Dề B, xã Xá Nhè. Theo đó, chủ tịch Mùa A Sơn yêu cầu chính quyền cơ sở chung tay tháo gỡ khó khăn giúp doanh nghiệp; làm tốt công tác vận động, tuyên truyền cho nhân dân, tạo sự đồng thuận, gắn kết hài hòa giữa người dân với doanh nghiệp, góp phần tạo môi trường thu hút đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Sau khi kiểm tra thực địa tại mỏ đá Pằng Dề B, Chủ tịch UBND tỉnh Mùa A Sơn dành phần lớn thời gian để nghe các báo cáo, kiến nghị của các cơ quan, đơn vị liên quan đến những vướng mắc trong việc cấp phép khai thác khoáng sản tại mỏ đá Pằng Dề B. Trong đó chủ yếu là vấn đề chuyển đổi diện tích rừng sản xuất và canh tác của người dân.
Đồng chí Mùa A Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và đoàn công tác khảo sát thực địa tại khu vực mỏ đá Pằng Dề B.
Từ nhiều năm qua, đá xây dựng trên địa bàn huyện Tủa Chùa luôn là vấn đề nóng được người dân và các doanh nghiệp xây dựng đặc biệt quan tâm. Từ ngày 6/8/2009, UBND tỉnh Điện Biên ra Quyết định 1345/QĐ-UBND về việc cấp phép khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường cho Công ty TNHH Trường Thọ Điện Biên tại điểm mỏ bản Pằng Dề B, xã Xá Nhè, với thời hạn khai thác là 3 năm, đến hết tháng 8/2012. Sau khi hết thời hạn khai thác, doanh nghiệp đã xin gia hạn thêm 1 năm, đến hết năm 2013. Trong thời gian đó, Công ty TNHH Trường Thọ Điện Biên tiếp tục làm thủ tục xin cấp phép khai thác đá tại điểm mỏ cũng thuộc khu vực Pằng Dề B, xã Xá Nhè, gần mỏ cũ. Tuy nhiên, trong thời gian chờ cấp phép, tại mỏ đá Pằng Dề B đã xảy ra tình trạng khai thác đá trái phép kéo dài gây bức xúc trong dư luận. Tháng 3/2016, UBND huyện Tủa Chùa thành lập tổ kiểm tra, xử lý vi phạm trong quản lý, khai thác, kinh doanh, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường tại các xã, thị trấn trên địa bàn. Riêng đối với trường hợp khai thác trái phép với quy mô lớn tại khu vực Pằng Dề B, huyện đã yêu cầu ngừng mọi hoạt động khai thác, chế biến đá và gửi hồ sơ cho UBND xã Xá Nhè xem xét xử lý theo thẩm quyền. Tuy nhiên, đến giữa tháng 4/2016 phát hiện tại đây vẫn xảy ra hoạt động chế biến đá trái phép, UBND huyện Tủa Chùa đã đình chỉ hoạt động khai thác.
Trước đó, ngày 9/10/2014, UBND tỉnh đã cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản cho Công ty TNHH Trường Thọ Điện Biên được thăm dò khoáng sản đá làm vật liệu xây dựng thông thường tại điểm mỏ Pằng Dề B, xã Xá Nhè. Kết quả thăm dò được UBND tỉnh phê duyệt với trữ lượng đá tại khu vực điểm mỏ là 930.499m3. Đầu năm 2016, UBND tỉnh đã cấp Giấy phép khai thác khoáng sản đồng ý cho Công ty TNHH Trường Thọ Điện Biên khai thác đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường tại điểm mỏ Pằng Dề B, xã Xá Nhè. Tuy nhiên, đến nay mỏ đá Pằng Dề B vẫn chưa thể đi vào khai thác vì chưa được bàn giao mặt bằng và mở đường vào mỏ đá do nảy sinh một số vướng mắc mà chính quyền địa phương chưa giải quyết được.
Từng bước giải quyết những khó khăn, vướng mắc tại mỏ đá Pằng Dề B, Chủ tịch Mùa A Sơn chỉ đạo UBND huyện phải bám sát quy hoạch, nhiệm vụ chính trị của tỉnh để có giải pháp triển khai hiệu quả. Liên quan đến một phần diện tích rừng sản xuất ở trạng thái IIb (rừng phục hồi) tại khu vực khai thác, các đơn vị liên quan điều chỉnh diện tích cấp phép khai thác mỏ đá từ 2,0194ha xuống 1,3194ha để hạn chế thấp nhất việc ảnh hưởng đến diện tích rừng, đặc biệt là khu vực tập trung cây gỗ nghiến (thuộc nhóm IIa). Hiện nay một số hộ dân không đồng ý cho doanh nghiệp khai thác đá trong khu vực, với lý do ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất và diện tích rừng, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị chính quyền địa phương phải có giải pháp tuyên truyền, vận động hiệu quả. Tạo sự đồng thuận từ cấp ủy, chính quyền xuống cơ sở để nhân dân hiểu, ủng hộ vì lợi ích chung. Việc mở đường vào mỏ đá cần phải điều chỉnh theo phương án làm đường sát núi để hạn chế tối đa sự ảnh hưởng đến diện tích sản xuất cây lương thực trên nương của người dân. Trong quá trình doanh nghiệp hoạt động khai thác, chính quyền cơ sở phải tăng cường công tác giám sát, chú ý vấn đề bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng không để việc khai thác ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân trong vùng. Chính quyền các cấp phải đặc biệt chú trọng công tác vận động, tuyên truyền cho người dân để người dân hiểu rõ và ủng hộ các chủ trương của Đảng và Nhà nước. Để làm được điều đó, trước hết phải tôn trọng nhân dân, tiếp thu ý kiến của dân và có giải pháp xử lý kịp thời, tạo nên sự đồng thuận để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nhanh và bền vững.
Nguồn: baodienbienphu.com.vn