Đó là chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Mùa A Sơn đối với các ngành, cơ quan chức năng sau khi có kết quả báo cáo giám sát công tác quản lý, cấp phép, sử dụng phí bảo vệ môi trường khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh từ năm 2013 - 2015, do HĐND tỉnh thực hiện từ cuối tháng 3 đến trung tuần tháng 5/2016. Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, trên địa bàn tỉnh hiện có 38 điểm mỏ hoạt động khai thác khoáng sản, trong đó: nhóm khoáng sản làm nguyên liệu xi măng có 2 điểm mỏ, với tổng trữ lượng đá vôi 12.785.000m3;nhóm khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường có 27 điểm mỏ, tổng trữ lượng đá 41.892.699m3 , cát: 303.699m3; nhóm khoáng sản nhiên liệu có 5 điểm mỏ, với tổng trữ lượng 613.616 tấn; nhóm khoáng sản kim loại 3 điểm mỏ, trữ lượng chì, kẽm 2.102.076 tấn; nhóm khoáng sản quý 1 điểm mỏ (vàng có trữ lượng 192,5 kg, bạc 809,1 kg). Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 2 điểm nước nóng và nước khoáng đang hoạt động khai thác, sử dụng: Pe Luông, xã Thanh Luông và U Va, xã Noong Luống (huyện Điện Biên). Bên cạnh những đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế, xã hội địa phương, việc khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh những năm qua bộc lộ không ít hạn chế, yếu kém khiến nguồn tài nguyên khoáng sản cạn kiệt, người dân mất đất sản xuất, ngân sách Nhà nước thất thu, môi trường bị xâm hại nghiêm trọng. Theo ông Ngôn Ngọc Khuê, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thì nguyên nhân cơ bản là các cơ quan chức năng từ tỉnh đến cơ sở chưa quản lý chặt chẽ hoạt động khai thác khoáng sản tại các mỏ. Công tác phối hợp giữa các sở, ngành, chính quyền các cấp trong quản lý hoạt động khoáng sản chưa chặt chẽ, đồng bộ. Bên cạnh đó, cán bộ, công chức trong lĩnh vực địa chất khoáng sản từ cấp tỉnh đến cấp xã còn thiếu, năng lực chuyên môn còn hạn chế…Công tác đào tạo nguồn nhân lực để phục vụ cho các dự án đầu tư chưa phù hợp với yêu cầu ngành nghề và tiến độ phát triển của các dự án. Về phía doanh nghiệp, do năng lực, kỹ thuật, tài chính còn yếu dẫn đến không đủ năng lực đầu tư đồng bộ công nghệ hiện đại, mang tính chiến lược, chủ yếu là thủ công bán cơ giới làm thất thoát tài nguyên và gia tăng nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Trên địa bàn tỉnh có rất ít doanh nghiệp tham gia hoạt động khoáng sản sử dụng công nghệ khai thác, chế biến tiên tiến. Hầu hết không có hệ thống thu bụi, dẫn đến hàm lượng bụi tại nơi làm việc cao gấp nhiều lần so với tiêu chuẩn cho phép. Qua công tác đo, phân tích lượng bụi, độ ồn ở một số điểm mỏ cho thấy, hầu hết các mẫu thử đều vượt quá tiêu chuẩn cho phép. Từ năm 2013 đến cuối năm 2015, thông qua công tác thanh tra, kiểm tra, các cơ quan chức năng phát hiện hàng trăm sai phạm trong quản lý, khai thác khoáng sản; đã xử phạt hành chính các tổ chức, cá nhân 584 triệu đồng. Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý khai thác khoáng sản, từ năm 2010, tức là sau khi Luật Khoáng sản mới có hiệu lực, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng làm rõ nguyên nhận, hạn chế, yếu kém trong quản lý khai thác, chế biến khoán sản. Từ đó, UBND tỉnh chỉ đạo ngành chuyên môn, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về hoạt động khai thác khoáng sản nhằm giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng về lĩnh vực này. UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý thuộc thẩm quyền về công tác quản lý, cấp phép và việc thu, sử dụng phí bảo vệ môi trường khai thác khoáng sản như: Quyết định số 04/2014/QĐ-UBND ngày 01/4/2014 về Quy chế hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh ; Kế hoạch số 3092/KH-UBND ngày 22/8/2014 triển khai việc thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo Nghị định số 203/2013/NĐ-CP ngày 28/11/2013 của Chính phủ… Song song với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, các cơ quan chức năng còn chú trọng đến việc giải đáp, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình làm thủ tục, khai thác chế biến khoáng sản. Công tác phối hợp của các ngành liên quan trong công tác quản lý, cấp phép, sử dụng phí bảo vệ môi trường khai thác khoáng sản và việc thực hiện các biện pháp quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản, đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội cũng được quan tâm thực hiện. Một trong những giải pháp quan trọng được UBND tỉnh chỉ đạo sát sao là thực hiện nghiêm, có chất lượng công tác thanh tra, kiển tra, giải quyết khiếu nại và xử lý vi phạm pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản. Điển hình trong công tác này là huyện Điện Biên và huyện Mường Nhé. Trong 3 năm (2013 - 2015) các cơ quan chức năng huyện Điện biên đã tiến hành trên 100 cuộc thanh tra, kiểm tra, ban hành 126 quyết định xử phạt hành chính các đối tượng vi phạm với tổng số tiền phạt 269,5 triệu đồng. Nguồn: baodienbienphu