Một số điểm mới trong Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 07/7/2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường
Thời gian đăng: 18/07/2022 08:00:00 AM
Ngày 07/7/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 45/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, có hiệu lực thi hành từ ngày 25/8/2022.
Theo đó, Nghị định đã cập nhật để bảo đảm tính tương thích, phù hợp với các quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 07/01/2022 của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; phù hợp với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 27/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều Luật Xử lý vi phạm hành chính. Bên cạnh đó, Nghị định đã kế thừa, sửa đổi, bổ sung một số nội dung so với Nghị định 155/2016/NĐ-CP và Nghị định số 55/2021/NĐ-CP để đảm bảo chế tài về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đủ tính răn đe, đảm bảo tính thực tiễn và hiệu quả trong thực thi, cụ thể:
(1) Đối với quy định xử phạt vi phạm hành chính về thực hiện đăng ký môi trường: Đã quy định hành vi không thực hiện, thực hiện không đúng, không đầy đủ cam kết hoặc phương án thu gom, quản lý, xử lý chất thải trong đăng ký môi trường; không đăng ký môi trường lại… cho 03 nhóm đối tượng gồm: Dự án, cơ sở không thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường; Dự án, cơ sở phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường thuộc thẩm quyền phê duyệt của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Dự án, cơ sở phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường thuộc thẩm quyền phê duyệt của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
(2) Đối với quy định xử phạt vi phạm hành chính về đánh giá tác động môi trường, đã cập nhật, bổ sung các hành vi như: Không công khai báo cáo đánh giá tác động môi trường; không điều chỉnh, bổ sung nội dung của dự án đầu tư và báo cáo đánh giá tác động môi trường cho phù hợp với nội dung, yêu cầu về bảo vệ môi trường được nêu trong quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; không báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định để được xem xét, chấp thuận trong quá trình cấp giấy phép môi trường đối với dự án đầu tư thuộc đối tượng phải có giấy phép môi trường trong trường hợp có thay đổi theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 37 Luật Bảo vệ môi trường.
(3) Đối với quy định xử phạt vi phạm hành chính về Giấy phép môi trường: Đã quy định chế tài đối với trách nhiệm của các dự án, cơ sở thuộc đối tượng phải cấp Giấy phép môi trường, trong đó cũng đã phân chia các nhóm đối tượng theo thẩm quyền của UBND cấp huyện, UBND cấp tỉnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.
(4) Đối với quy định xử phạt vi phạm hành chính về vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải của dự án, đã bổ sung các hành vi như: Không phối hợp với cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh nơi triển khai dự án để được kiểm tra, giám sát trong quá trình vận hành thử nghiệm theo quy định; vận hành thử nghiệm các công trình xử lý chất thải quá thời gian theo quy định; không thực hiện, thực hiện không đúng, không đầy đủ chương trình quan trắc chất thải trong quá trình vận hành thử nghiệm theo quy định.
(5) Đối với quy định xử phạt vi phạm hành chính về thực hiện quan trắc môi trường, đã bổ sung các hành vi như: Không lắp đặt camera theo dõi hoặc thiết bị lấy mẫu tự động đối với nước thải; không lưu giữ số liệu quan trắc nước thải, khí thải theo quy định hoặc không kết nối, truyền số liệu quan trắc về cơ quan có thẩm quyền theo quy định; lắp đặt thiếu một trong các thông số quan trắc tự động, liên tục; không đảm bảo tính bảo mật, toàn vẹn của dữ liệu quan trắc tự động, liên tục; can thiệp, điều chỉnh kết quả quan trắc tự động, liên tục trước khi truyền dữ liệu về cơ quan tiếp nhận theo quy định.
(6) Đối với quy định xử phạt vi phạm hành chính về hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường, đã bổ sung các hành vi mới như: Cung cấp kết quả quan trắc, thử nghiệm đối với các thông số không có trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường theo quy định; không lưu trữ đầy đủ dữ liệu quan trắc gốc đối với toàn bộ hoạt động dịch vụ quan trắc theo quy định; thực hiện kỹ thuật quan trắc không đúng theo quy định kỹ thuật quan trắc môi trường; Phiếu trả kết quả quan trắc không đánh số thứ tự, ký hiệu, không đủ thông tin theo quy định.
(7) Đối với quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường tại khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp, làng nghề, đã bổ sung các hành vi mới như: Không có công trình, thiết bị xử lý nước thải, khí thải tại chỗ đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ quy mô hộ gia đình, cá nhân có phát sinh nước thải, khí thải; không ban hành quy chế bảo vệ môi trường khu công nghiệp, cụm công nghiệp theo quy định; không kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý trong trường hợp phát hiện vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường của tổ chức, cá nhân; không phối hợp kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp theo quy định; không có hệ thống thu gom, thoát nước mưa riêng biệt với hệ thống thu gom, thoát nước thải theo quy định; tiếp nhận thêm dự án mới không thuộc danh mục ngành nghề được phép thu hút đầu tư theo quy định; tiếp nhận dự án mới hoặc nâng công suất dự án đang hoạt động có phát sinh nước thải trong khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung khi không có hạ tầng bảo vệ môi trường hoặc hạ tầng bảo vệ môi trường không đáp ứng theo quy định hoặc không phù hợp với khả năng tiếp nhận, xử lý nước thải của hệ thống xử lý nước thải tập trung theo quy định.
(8) Đối với quy định xử phạt vi phạm hành chính về xả nước thải có chứa các thông số môi trường; vi phạm các quy định về thải bụi, khí thải có chứa các thông số môi trường vào môi trường; vi phạm các quy định về tiếng ồn; độ rung; hành vi gây ô nhiễm đất, nước, không khí. Các hành vi này cơ bản được kế thừa từ Nghị định số 155/2016/NĐ-CP và Nghị định số 55/2021/NĐ-CP, trong đó đã bỏ quy định về các thông số vi khuẩn (Salmonella, Shiegella, Vibrio cholerae) trong nước thải y tế tại Điều 19 để phù hợp với thực tế khi áp dụng.
(9) Đối với quy định xử phạt vi phạm hành chính về phân loại, thu gom, vận chuyển, chôn, lấp, đổ, đốt, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, đã được cập nhật đầy đủ các hành vi vi phạm, trong đó đã quy định hành vi hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định, không sử dụng bao bì chứa chất thải sinh hoạt theo quy định để có căn cứ xử phạt các hộ gia đình, cá nhân khi áp dụng theo lộ trình đã được Luật Bảo vệ môi trường 2022 quy định. Ngoài ra, đã cập nhật, bổ sung đầy đủ các chế tài đối với trách nhiệm thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải sinh hoạt của chủ đầu tư dự án, chủ sở hữu, ban quản lý khu đô thị mới, chung cư cao tầng, tòa nhà văn phòng; cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp có phát sinh chất thải rắn sinh hoạt; chủ cơ sở hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
(10) Đối với quy định xử phạt vi phạm hành chính về chất thải rắn công nghiệp thông thường; vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường đối với chủ nguồn thải chất thải nguy hại; hoạt động vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại:Đã bổ sung hành vi mua, tiếp nhận chất thải công nghiệp thông thường, chất thải nguy hại mà không có biện pháp xử lý hoặc không có chức năng xử lý theo quy định…để xử lý đối với các trường hợp phát sinh trong thực tế mà chưa có chế tài.
(11) Đối với quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường trong quản lý các chất ô nhiễm khó phân hủy và nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy; vi phạm quy định về trách nhiệm tái chế, thu gom, xử lý chất thải của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu; vi phạm các quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; vi phạm các quy định về bảo vệ tầng ô-dôn. Các hành vi mới quy định tại các Điều này được căn cứ theo quy định tại Luật Bảo vệ môi trường và Nghị định, Thông tư hướng dẫn quy định chi tiết.
(12) Đối với quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường trong hoạt động nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng; nhập khẩu máy móc, thiết bị, phương tiện, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu; bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu: Đã bổ sung, làm rõ hành vi chuyển giao phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất trong đó đã chia các mức tiền phạt theo khối lượng, chủng loại phế liệu vi phạm (sắt, thép, giấy, nhựa) để đảm bảo công bằng và áp dụng xử lý hiệu quả trong thực tiễn; đã bổ sung quy định xử phạt vi phạm đối với tổ chức giám định chất lượng phế liệu nhập khẩu thì áp dụng theo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm hàng hóa để xử lý đối với các tổ chức có vi phạm về kết quả giám định, phân tích chất lượng các lô hàng phế liệu nhập khẩu.
(13) Đối với quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường biển; vi phạm quy định về bảo vệ môi trường đất; vi phạm các quy định về cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản: Không còn quy định các hành vi về không có giấy xác nhận hoàn thành giai đoạn hoặc toàn bộ phương án cải tạo, phục hồi môi trường do hiện nay việc thực hiện xác nhận này đã được lồng ghép trong thủ tục đóng cửa mỏ theo quy định của Luật Khoáng sản.
(14) Đối với quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp, được quy định gồm các hành vi đốt ngoài trời phụ phẩm từ cây trồng cạnh khu vực dân cư, sân bay, các tuyến đường giao thông chính và các hành vi liên quan đến vi phạm quy định về bảo vệ môi trường đối với hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật và thuốc thú y.
(15) Đối với mức xử phạt: Giảm mức phạt đối với các hành vi vi phạm về mặt hồ sơ, thủ tục môi trường; tăng mức phạt đối với các nhóm hành vi mang tính chất cố tình vi phạm hoặc các hành vi gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời, để đảm bảo tính răn đe đối với các hành vi cố tình vi phạm, lắp đặt các thiết bị, đường ống xả hoặc các đường thải khác để xả chất thải không qua xử lý ra môi trường.
(16) Về biện pháp khắc phục hậu quả: Chỉ quy định các biện pháp thể hiện đúng bản chất của việc khắc phục hậu quả hành vi vi phạm; biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm đã được lược bớt, ngắn gọn, đúng bản chất theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Cao Minh Chính - Phòng Quản lý Môi trường và BĐKH
Tác giả: 0
Nguồn tin: 0
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Điện Biên làm việc với UBND huyện Tuần Giáo về tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước lĩnh vực tài nguyên và môi trường trên địa bàn huyện Tuần Giáo
Tuyên truyền, tham gia bình chọn sự kiện ngành tài nguyên và môi trường năm 2022
Tuyên truyền kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Huỳnh Tấn Phát (15/02/1913 - 15/02/2023)
Triệu tập thí sinh đủ điều kiện, tiêu chuẩn dự phỏng vấn (vòng 2)
Tổ chức họp hội đồng thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường Dự án “San ủi mặt bằng phục vụ di chuyển các hộ dân khu vực đầu nguồn hồ nước sinh hoạt thị trấn Điện Biên Đông, huyện Điện Biên Đông (giai đoạn 1)”.
Công bố giá “Quyền sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án Khu dân cư đô thị mới phía Bắc đường Hoàng Văn Thái - Khe Chít, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên”
Hội thảo “Xử lý và sử dụng tro, xỉ, thạch cao – Giải pháp cho phát triển bền vững”
Thu gom, vận chuyển, xử lý thuốc bảo vệ thực vật hết hạn và bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng trên địa bàn tỉnh Điện Biên
Chương trình thiện nguyện “ Áo ấm cho em” năm 2022
Hội nghị đánh giá hiệu quả hoạt động và tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ cho Văn phòng Đăng ký đất đai
Trang: