ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐIỆN BIÊN

SỞ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG

Chào mừng quý bạn đọc đến với Trang thông tin điện tử Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Điện Biên
  • Thực trạng và giải pháp nâng cao công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên
  • Thời gian đăng: 10/06/2020 08:00:00 AM
  • Hiện nay, quá trình công nghiệp hóa ở Việt Nam đang diễn ra mạnh mẽ, với sự hình thành, phát triển của các ngành nghề sản xuất, sự gia tăng nhu cầu tiêu dùng hàng hóa, nguyên vật liệu, năng lượng,... là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, đi kèm với đó là nỗi lo về môi trường, đặc biệt vấn đề chất thải rắn như chất thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp, chất thải nông nghiệp, chất thải y tế... Việc thu gom, vận chuyển, xử lý và tiêu hủy chất thải rắn đã và đang trở thành một bài toán khó đối với các nhà quản lý tại hầu hết các nước trên thế giới, đặc biệt là ở các nước có nền kinh tế đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Điểm tập kết thu gom rác thải sinh hoạt tại huyện Điện Biên Hiện tại, huyện Điện Biên có 21 đơn vị hành chính cấp xã (12 xã lòng chảo và 9 xã vùng ngoài, biên gới). Trong những năm qua kinh tế của huyện tăng trưởng mạnh, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được đầu tư, các mặt văn hóa xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống, vật chất, tinh thần không ngừng được nâng lên; nhiều chính sách mới đầu tư phát triển, đảm bảo an sinh xã hội đã và đang được thực hiện, tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ổn định. Bên cạnh những kết quả rất đáng khích lệ từ phát triển kinh tế, những vấn đề môi trường đã nảy sinh: CTR sinh hoạt phát sinh từ các xã, các cụm dân cư, chưa được thu gom, xử lý đảm bảo vệ sinh môi trường, đặc biệt là các xã vùng ngoài của huyện Điện Biên... Xuất phát từ thực trạng đó, bài viết này sẽ trình bày kết quả nghiên cứu thực trạng và giải pháp nâng cao công tác quản lý CTRSH tại huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Nghiên cứu được thực hiện với mục tiêu: Đánh giá được thực trạng CTRSH và công tác quản lý CTRSH tại huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Dự báo được lượng CRTSH của huyện tới năm 2025 và 2030. Đề xuất được các giải pháp quản lý CTRSH tại huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. 1. Hiện trạng phát sinh và công tác quản lý chất thải rắn (CTR) sinh hoạt trên địa bàn huyện Điện Biên - Khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh: Theo số liệu Báo cáo của huyện Điện Biên khối lượng CTR sinh hoạt phát sinh trên địa huyện Điện Biên năm 2019, ước khoảng 36 tấn/ngày tương đương khoảng 12.960,0 tấn/năm. Lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh với khối lượng lớn tại những nơi tập trung đông dân cư, kinh doanh, buôn bán, trường học tại các xã khu vực lòng chảo và khu vực trung tâm các xã vùng ngoài. Toàn bộ chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn huyện là chất thải rắn sinh hoạt nông thôn. Trên địa bàn huyện đã bố trí 70 điểm thu gom tại nhứng nơi tập trung đông dân cư trên địa bàn 12 xã khu vực lòng chảo (vùng trong) với tổng khối lượng thu gom vận chuyển xử lý 17,39 tấn/ngày (6.260,4 tấn/năm). Đối với các xã vùng ngoài chưa được bố trí điểm thu gom vận chuyển rác thải sinh hoạt thì một phần lượng rác được người dân xử lý bằng biện pháp đốt hoặc chôn lấp hoặc đổ ra ngoài. Qua kết quả điều tra, khảo sát bằng phỏng vấn đối với 400 hộ trên địa bàn xã điểm, cũng như số liệu cân thực tế tại 24 hộ ngẫu nhiên các hộ gia đình trong 7 ngày của huyện Điện Biên. Hệ số phát thải của của hai phương pháp điều tra là khá tương đồng nhau giao động từ 0,481 đến 0,488 do đó hệ số phát thải trung bình là 0,485; từ đó tương ứng với lượng rác thải trên địa bàn huyện Điện Biên khoảng từ 55,688 tấn đến 56,498 tấn/ngày. Vì vậy nếu không có giải pháp phân loại, tái chế, tái sử dụng các thành phần có khả năng tận dụng được thì CTR sẽ gây ra một áp lực rất lớn đối với môi trường của huyện Điện Biên nói riêng và tỉnh Điện Biên nói chung. - Dự báo sự gia tăng chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn huyện Điện Biên đến năm 2030. Theo số liệu niên giám thống kê, dân số và tốc độ tăng dân số trung bình hàng năm của huyện Điện Biên từ năm 01/1/2014 đến 31/12/2018 hàng năm là 0,48%. Như vậy, dân số của huyện dự báo tới năm 2025 là 123.581 người và năm 2030 là 126.583 người. Dựa vào dự báo dân số và hệ số phát sinh CTRSH trên đầu người của huyện Điện Biên là 0,485 kg/người/ngày, lượng phát sinh CTRSH của huyện được dự báo tới năm 2025 là 59.937 kg/ngày và năm 2030 là 61.393kg/ngày. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, theo ước tính thì năm 2020 mức phát sinh CTRSH sẽ tăng 1,04 lần so với năm 2018, năm 2025 sẽ tăng 1,08 lần so với năm 2018, năm 2030 sẽ tăng 1,09 lần so với năm 2018. Dự kiến đến năm 2030 mỗi ngày lượng CTRSH phát sinh khoảng 61,393 tấn/ngày. - Hiện trạng phân loại và quản lý tại nguồn CTR SH: Theo Quyết định 42/2018/QĐ-UBND ngày 14/11/2018 của UBND tỉnh Điện Biên Ban hành Quy định về quản lý CTRSH trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Tuy nhiên, công tác phân loại CTRSH tại nguồn vẫn chưa được thực hiện tại địa bàn huyện Điện Biên. Qua điều tra, khảo sát thực tế tại các xã trên địa bàn huyện Điện Biên cho thấy, các hộ dân chưa có thói quen phân loại CTR tại nguồn hoặc có phân loại nhưng chỉ thực hiện một cách đơn giản, chưa triệt để.…Hơn nữa, đối với số hộ gia đình có tham gia dịch vụ CTRSH họ cũng cho biết nguyên nhân họ không thực hiện việc phân loại CTR tại nguồn, thứ nhất là CTR dù có phân loại hay không cũng được đổ chung vào xe chuyên dụng, xe này không có thiết kế các ngăn để phù hợp với nhóm chất thải được phân loại; Thứ hai là họ không có kinh phí để trang bị các thùng lưu trữ chất thải để lưu các nhóm chất thải khác nhau tại hộ gia đình. CTRSH không được phân loại tại nguồn nên khi vận chuyển về bãi rác tập trung để xử lý thì công nhân phải thực hiện phân loại, công đoạn này tiêu tốn khá nhiều thời gian, quá trình xử lý bị gián đoạn, CTRSH nhiều, xử lý không kịp sẽ gây ảnh hưởng đến môi trường. - Hiện trạng công tác thu gom và vận chuyển CTRSH Hiện trạng thu gom CTRSH: Hiện tại, huyện Điện Biên đã bố trí được 70 điểm thu gom tại những nơi tập trung đông dân cư và thuận tiên cho việc thu gom để vận chuyển, xử lý CTRSH trên địa bàn 12 xã lòng chảo với tổng khối lượng thu gom vận chuyển và xử lý là 17,39 tấn/ngày. Đối với các xã chưa được bố trí thu gom vận chuyển rác thải sinh hoạt, một phần được người dân tái sử dụng, bán phế liệu, một phần thì đốt thu công hoặc chôn lấp, một phần chưa bố trí được điểm tập kết thu gom vận chuyển xử lý nên người dân vẫn xả thải trực tiếp ra môi trường, mương, đường, ao hồ gây mất vệ sinh môi trường. Nguồn kinh phí chi trả cho việc thu gom CTRSH được thực hiện theo hướng dẫn của văn bản số 46/QĐ-UBND ngày 27/02/2017 của UBND tỉnh Điện Biên về việc áp dụng mức thu phí và lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Tuy nhiên, đến nay huyện Điện Biên chưa tiến hành thu phí vệ sinh môi trường trên địa bàn. Toàn bộ chi phí vận chuyển xử lý CTRSH được lấy từ kinh phí sự nghiệp môi trường và kinh phí ngân sách của huyện. Mặc dù nguồn kinh phí này chưa đáp ứng đủ nhu cầu xử lý CTRSH trên địa bàn huyện. Công tác vận chuyển CTRSH: Việc thực hiện thu gom vận chuyển CTRSH với tần suất 1 lần/ngày vào mỗi buổi chiều từ 17h30 đến 21h30. Các phương tiện thu gom, vận chuyển CTRSH huyện Điện Biên có xe gom rác đẩy tay 14 chiếc, thùng rác công cộng 120 cái, xe ben 1 chiếc. Nhìn chung đã có đầy đủ trang thiết bị đảm bảo công tác thu gom, vận chuyển CTRSH của huyện Điện Biên thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, xe thu gom vận chuyển CTRSH vẫn phải dùng xe ben dung tích nhỏ nên phải cạp thêm rào B40 để chở được lượng CTRSH nhiều hơn. - Hiện trạng công trình xử lý CTRSH: Trước đây, CTRSH tại huyện Điện Biên được xử lý bằng chôn lấp, đến năm 2014, UBND huyện đầu tư Khu xử lý rác thải Púng Min, xã Pom Lót, tổng diện tích là 0,4 ha, bằng công nghệ lò đốt kết hợp với chôn lấp, công suất lò đốt 15 tấn/ngày đêm. Tuy nhiên công suất không đáp ứng được (khoảng 60 tấn/ngày đêm) dẫn đến lò đốt bị quá tải. Để giải quyết bài toán bức xúc về CTRSH trên địa bàn tỉnh Điện Biên hiện tại, tỉnh đã đầu tư nhà máy xử lý rác thải Điện Biên tại bản Púng Min, xã Pom Lót, huyện Điện Biên và đã đưa vào vận hành từ tháng 7 năm 2019. Với các hạng mục đã đáp ứng được yêu cầu như: Hệ thống xử lý nước rỉ rác bằng phương pháp sinh học với diện tích 1.748 m2, nhà phân loại và lắp đặt lò đốt rác thải sinh hoạt bao gồm 2 nhà xưởng, mỗi nhà xưởng có diện tích khoảng 2.100 m2, bố trí đặt 2 lò đốt rác thải sinh hoạt không sử dụng nhiên liệu, năng lượng, công suất mỗi lò 2,5 tấn/giờ, bể lắng chứa bùn diện tích 150 m2, chiều sâu 3,5 m, thể tích chứa bùn 500 m3 và nhà ủ, phơi bùn có diện tích 400 m2, dung tích chứa 1.000 tấn; các ô chôn lấp rác thải nằm trong các hạng mục đầu tư của nhà máy xử lý rác thải Điện Biên, gồm 4 ô chôn lấp sau: Ô chôn lấp số 1: Diện tích mặt 10.040 m2, dung tích chứa 116.319 m3, thời gian hoạt động 19 năm. Ô chôn lấp số 2: Diện tích mặt 10.538 m2, dung tích chứa 107.358 m3, thời gian hoạt động 15 năm. Ô chôn lấp số 3: Diện tích mặt 5.497 m2, dung tích chứa 39.620 m3, thời gian hoạt động 6 năm. Ô chôn lấp số 4: Diện tích mặt 4.140 m2, dung tích chứa 33.370 m3, thời gian hoạt động 5 năm và các hạng mục phụ trợ khác. 2. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý CTRSH trên địa bàn huyện Điện Biên - Giải pháp về chính sách: Đối với cơ cấu tổ chức quản lý CTRSH cần điều chỉnh quyền hạn, chức năng nhiệm vụ, trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị phù hợp với Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp CTR đến năm 2025, tầm nhìn năm 2050 để đảm bảo tính thống nhất, phù hợp, tránh quản lý chồng chéo không rõ trách nhiệm của bên nào dễ dẫn đến trùng lặp hoặc bỏ sót. Công tác quản lý CTRSH cần chuyển thành đồng quản lý dựa vào cộng đồng, sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương, các sở ban ngành, hội, đoàn thể, các tổ chức xã hội, đơn vị thu gom trực tiếp và sự tham gia của cá nhân, hộ gia đình, công sở, đơn vị là nguồn phát sinh CTRSH. Căn cứ các quy định quản lý CTRSH của quốc gia, của tỉnh. Huyện Điện Biên cần cụ thể thành các văn bản của huyện, phù hợp với điều kiện thực tế địa phương nhưng không ngược với văn bản của quốc gia. Cần có các văn bản khuyến khích hỗ trợ, xã hội hóa cụ thể để thu hút các tổ chức, đơn vị tham gia thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH. Cần có chính sách đào tạo, bồi dưỡng bài bản về công tác BVMT để nắm kỹ quy trình, quy định, các nội dung cần thiết liên quan đến quản lý môi trường nói chung và quản lý CTRSH nói riêng. Nội dung bồi dưỡng tập trung vào khả năng xây dựng kế hoạch quản lý CTRSH, kỹ năng tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng, kinh tế môi trường, khả năng kiểm tra đánh giá công tác quản lý CTRSH. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần tăng cường nguồn nhân lực có chuyên môn nghiệp vụ chuyên trách lĩnh vực môi trường. - Giải pháp về kinh tế: UBND huyện Điện Biên có chủ trương khuyến khích các cơ sở tư nhân tham gia xử lý ô nhiễm bằng cách giảm thuế hoặc cho vay vốn ưu đãi để thành lập và hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH. Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương, thôn và công ty thu gom để thu phí vệ sinh đầy đủ 100%, trích % cho người hực hiện thu tận hộ gia đình, nâng cao hiệuquả công tác thu phí trên địa bàn. Từ đó để mở rộng hệ thống thu gom, vận chuyển và xử lý CTR sinh hoat trên tất cả các xã của huyện Điện Biên; xây dựng các tuyến, điểm thu gom và thời gian thu gom tại các tuyến để các hộ gia định tập kết rác thải đúng thời gian tránh ô nhiễm môi trường nơi tập kết. Xây dựng các điểm trung chuyển phù hợp với từng địa bàn cụ thể để thuận tiện cho việc thu gom CTR sinh hoạt tại các khu vực có địa hình đi lại khó khăn. Để đảm bảo nguồn kinh phí quản lý CTRSH, UBND các cấp,các Sở ban ngành phối hợp Công ty cổ phần Môi trường Đô thị Điện Biên điều chỉnh mức phí thu gom cho phù hợp điều kiện thực tế theo từng giai đoạn. - Giải pháp về kỹ thuật: Cần có mô hình thí điểm “phân loại rác tại nguồn ở huyện Điện Biên” tại một xã cụ thể, sau đó tổng kết và nhân rộng mô hình hiệu quả. Đối với trang thiết bị, phương tiện vận chuyển: cần được nâng cấp đáp ứng với công tác phân loại rác tại nguồn. Lập kế hoạch mua sắm, lựa chọn các trang thiết bị, phương tiện phù hợp về kinh phí cũng như yêu cầu xử lý CTRSH. Đối với cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn phụ trách hoặc kiêm nhiệm công tác môi trường, cần có chính sách đào tạo, bồi dưỡng bài bản về công tác bảo vệ môi trường để nắm kỹ quy trình, quy định, các nội dung cần thiết liên quan đến quản lý môi trường nói chung và quản lý CTRSH nói riêng. Mở rộng các loại hình xử lý CTRSH như tận dụng nguồn thải hữu cơ dễ phân hủy để sản xuất phân bón bằng phương pháp sinh học, tiết kiệm chi phí bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả kinh tế của CTRSH, đốt rác để tận thu năng lượng, tái sử dụng các vật liệu nhựa hoặc vô cơ… Hình ảnh xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại nhà máy xử lý rác thải Điện Biên Bài và ảnh Cao Minh Chính
  • Tác giả: 0
  • Nguồn tin: 0
  • Lễ phát động hưởng ứng ngày Nước thế giới, ngày Khí tượng thế giới và chiến dịch giờ Trái đất năm 2024
  • Thúc đẩy hợp tác xuyên biên giới đảm bảo an ninh nguồn nước khu vực ven sông xuyên biên giới sông Mã và sông Neun – Cả và các vùng ven biển liên quan Việt Nam và CHDCND Lào
  • Công đoàn cơ sở Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Điện Biên tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3, 1984 năm khỏi nghĩa Hai Bà Trưng và ngày Quốc tế hạnh phúc 20-3
  • Kết quả triển khai thực hiện các dự án đầu tư trồng cây Mắc ca trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ, huyện Tuần Giáo, huyện Mường Chà, thị xã Mường Lay
  • Hội nghị đánh giá và xếp hạng sản phẩm tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Điện Biên năm 2023
  • Tỉnh Điện Biên phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường
  • Kiểm tra công tác cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước hồ chứa thủy điện Mường Mươn, xã Na Sang và xã Ma Thì Hồ, huyện Mường Chà tỉnh Điện Biên
  • Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chính thức vận hành cổng thông tin điện tử EPR Quốc gia
  • Thực hiện Kế hoạch triển khai thi hành Luật Đất đai số 31/2024/QH15
  • Những điểm mới của Luật đất đai về quyền của người sử dụng đất
  • Trang: 
  • 41-50 of 709<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >
  • Chứng nhận Tín nhiệm mạng
  • CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG TỈNH ĐIỆN BIÊN
  • Trưởng Ban Biên tập: Ông Vũ Ngọc Vương - Giám đốc Sở
  • Địa chỉ: Số 315 - Đường Võ Nguyên Giáp - Phường Him Lam - Thành phố Điện Biên Phủ - Tỉnh Điện Biên
  • Điện thoại: 0215.3810.093 Fax: 0215.3810.291 Email: stnmt@dienbien.gov.vn
  • Giấy phép thiết lập trang tin điện tử trên Internet số: 378/GP-STTTT Ngày 31 tháng 3 năm 2021 của Sở Thông tin và Truyền thông Điện Biên
  • (Bản quyền nội dung thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Điện Biên. Ghi rõ nguồn "http://stnmt.dienbien.gov.vn" khi sử dụng lại thông tin)
  • Thiết kế bởi - Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên