HIỆN TRẠNG MÔI TRƯỜNG KHÔNG KHÍ TỈNH ĐIỆN BIÊN VÀ MỘT SỐ GIẢI PHÁP BẢO VỆ TRONG THỜI GIAN TỚI
Thời gian đăng: 06/01/2020 08:00:00 AM
Ô nhiễm môi trường không khí hiện nay đã trở thành mối quan tâm lớn của toàn xã hội; được xem là một trong những tác nhân hàng đầu có nguy cơ tác động nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng. Chất lượng môi trường không khí chịu ảnh hưởng của các yếu tố khí hậu, thời tiết, độ che phủ cây xanh và các hoạt động kinh tế - xã hội, quá trình đô thị hóa cùng với các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội chưa được quản lý và kiểm soát tốt gây ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng môi trường không khí; các nguồn thải hiện nay đang có xu hướng gia tăng cả về số lượng và quy mô. Với mục tiêu cung cấp một cách nhìn tổng quan về chất lượng môi trường không khí, đánh giá các diễn biến chất lượng môi trường không khí, dựa trên số liệu quan trắc, thông tin số liên quan, báo cáo phân tích các mức độ, đặc trưng của ô nhiễm nguồn không khí; Sở Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng, trình và được UBND tỉnh Điện Biên phê duyệt Báo cáo hiện trạng môi trường không khí tỉnh Điện Biên năm 2019 tại Quyết định số 1273/QĐ-UBND ngày 12/12/2019. Trong báo cáo đã xác định các nguồn gây ô nhiễm không khí chính, chủ yếu là không khí môi trường các khu đô thị và trung tâm các huyện.... từ đó đề xuất các phương hướng, giải pháp để bảo vệ môi trường không khí tốt hơn trong thời gian tới, cụ thể:
Hình ảnh lấy mẫu quản trắc môi trường không khí xung quanh
1. Hiện trạng môi trường không khí tỉnh Điện Biên.
a) Nguồn ô nhiễm môi trường không khí
Điện Biên đang chú trọng phát triển kinh tế, thúc đẩy theo hướng chuyển dịch cơ cấu công nghiệp và dịch vụ, song song quá trình đó thì ô nhiễm môi trường nói chung, ô nhiễm môi trường không khí nói riêng là khó tránh khỏi. Các nguồn ô nhiễm môi trường không khí chủ yếu gồm: Hoạt động sản xuất công nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng, sinh hoạt đun nấu của nhân dân, sản xuất nông nghiệp, chôn lấp và xử lí chất thải. Trong đó:
Hoạt động giao thông vận tải được xem là một trong ngững nguồn gây ô nhiễm lớn đối với môi trường không khí, đặc biệt là khu vực đô thị và khu vực tập trung đông dân cư. Cùng với sự phát triển của hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, tăng trưởng các phương tiện cơ giới và khối lượng vận tải hàng hóa, hành khách là sự phát thải các chất gây ô nhiễm môi trường không khí. Các chất gây ô nhiễm không khí chủ yếu sinh ra do khí thải từ quá trình đốt nhiên liệu động cơ bao gồm CO, CO2, SO2, NOX, Pb… và bụi do đất cát cuốn bay theo trong quá trình di chuyển.
Hoạt động xây dựng trong đô thị cũng là nguồn gây ảnh hưởng lớn đến môi trường không khí. Trong những năm gần đây hoạt động xây dựng khu đô thị mới, cầu đường, sửa chữa nhà, vận chuyển vật liệu và phế thải xây dựng … diễn ra trên địa bàn toàn tỉnh ngày càng nhiều và mức độ thường xuyên hơn nên ảnh hưởng lớn tới tiếng ồn, độ rung và nồng độ bụi đối với môi trường xung quanh.
Hoạt động sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm không khí chủ yếu là ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến khoáng sản, luyện than cốc, sản xuất xi măng. Nguồn gây ô nhiễm từ hoạt động công nghiệp có nồng độ chất độc hại cao, thường tập trung trong một không gian nhỏ. Tùy thuộc vào loại hình sản xuất, quy trình công nghệ, quy mô sản xuất và nhiên liệu sử dụng sẽ phát sinh khí thải với thành phần và nồng độ khác nhau. Các chất độc hại được phân thành các nhóm bụi, nhóm chất vô cơ và nhóm các chất hữu cơ với các chất ô nhiễm phổ biến gồm NO2, SO2, VOC,TSP, các hóa chất và kim loại.
Nguồn gây ô nhiễm do hoạt động nông nghiệp cũng khó tránh khỏi khi Điện Biên là tỉnh miền núi chủ yếu sản xuất nông nghiệp, để phát triển sản xuất, tăng năng suất cây trồng đáp ứng nhu cầu sinh sống của người dân nên trong những năm gần đây đa số người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng phân bón. Việc lạm dụng nhiều phân bón hay sử dụng thuốc bảo vệ không tuân thủ theo nguyên tắc bốn đúng là (đúng thuốc, đúng liều lượng nồng độ, đúng cách, đúng lúc) gây ô nhiễm môi trường không khí xung quanh, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.
Bên cạnh đó hoạt động chôn lấp và xử lí chất thải từ bãi rác lộ thiên là nơi tập hợp các loại chất thải rắn, chủ yếu là chất thải rắn sinh hoạt có thành phần hữu cơ cao. Dưới tác động của nhiệt độ, độ ẩm và vi sinh vật chất thải rắn hữu cơ bị phân hủy và sản sinh ra các khí CH4, CO2, và một số khí khác. Ước tính lượng khí CH4, CO2 phát sinh từ các bãi rác lộ thiên và bãi chôn lấp khoảng từ 3 - 19% tổng lượng phát sinh. Tại nhiều khu chôn lấp, đặc biệt các bãi rác lộ thiên đã và đang diễn ra các hoạt động đốt rác tùy tiện, gây ảnh hưởng đến chất lượng môi trường không khí tại những thời điểm nhất định.
b) Chất lượng môi trường không khí trên địa bàn tỉnh Điện Biên
Đánh giá chất lượng môi trường không khí xung quanh trên địa bàn tỉnh Điện Biên được thực hiện trên 26 điểm quan trắc tập trung chủ yếu vào các khu tập trung dân cư thường xuyên diễn ra những hoạt động buôn bán và mật độ phương tiện giao thông đông đúc. Trong khoảng 4 năm trở lại đây chất lượng không khí trên địa bàn tỉnh Điện Biên, được thể hiện cụ thể như sau:
Nồng độ SO2 tại các trung tâm huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Điện Biên Điện từ năm 2016 đến năm 2019 dao động từ 0,012 – 0,067 mg/m3 và có chiều hướng giảm dần theo các năm, đa số nằm trong quy chuẩn cho phép QCVN 05:2013/BTNMT.
Nồng độ NO2 tại các trung tâm huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh Điện Biên Điện từ năm 2016 đến năm 2019 dao động từ 0,012 – 0,078 mg/m3 duy trì ở mức tương đối ổn định. Ở những khu vực diễn ra nhiều hoạt động phát triển kinh tế, có nhiều phương tiện giao thông đi lại như khu chợ trung tâm I thành phố Điện Biên Phủ nồng độ NO2 năm 2017 có cao hơn các khu vực khác nhưng vẫn nằm trong quy chuẩn cho phép QCVN 05:2013/BTNMT.
Nồng độ Pb được quan trắc tại trung tâm các huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh Điện Biên từ năm 2016 đến năm 2019 diễn ra tương đối ổn định nằm ở mức thấp < 0,00016 mg/m3 không gây ảnh hưởng lớn đến môi trường xung quanh.
Nồng độ bụi được quan trắc tại trung tâm các huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh Điện Biên từ năm 2016 đến năm 2019 hầu hết đều nằm trong quy chuẩn cho phép QCVN 05: 2013/BTNMT. Tuy nhiên, ở một số khu vực tập trung đông dân cư, buôn bán thường xuyên nồng độ bụi có giá trị cao như khu chợ, cây xăng C4; Chợ Bản Phủ; Trung tâm huyện Tủa Chùa có nồng độ bụi cao có xu hướng tăng hơn những khu vực còn lại cụ thể: tại khu chợ, cây xăng C4 năm 2016 có nồng độ 0,236 mg/m3; năm 2018 là 0,243 mg/m3; năm 2019 là 0,263 mg/m3. Tại Chợ Bản Phủ và trung tâm huyện Tủa chùa nồng độ bụi năm 2016 là 0,272 mg/m3 xấp xỉ đạt ngưỡng giới hạn cho phép.
Kết quả quan trắc môi trường không khí trên địa bàn tỉnh Điện Biên từ năm 2016 đến năm 2019, cho thấy chất lượng môi trường không khí khu vực đô thị trên địa bàn tỉnh Điện Biên đều nằm trong giới hạn quy chuẩn cho phép QCVN 05:2013/BTNMT và QCVN 06:2009/BTNMT. Điều này chứng minh chất lượng môi trường không khí nói chung trên địa bàn tỉnh Điện Biên là tương đối tốt, đảm bảo môi trường sống cũng như sức khỏe cho người dân. Tuy nhiên, tại một số trung tâm huyện và thành phố ở một thời điểm nhất định đang trong quá trình xây dựng đồng bộ các cơ sở hạ tầng, lượng xe tham gia giao thông nhiều và diễn ra nhiều hoạt động buôn bán... nồng độ một số chỉ tiêu vẫn đang ở mức cao có thể sẽ vượt quy chuẩn cho phép nếu không có biện pháp giảm thiểu phù hợp.
Đánh giá chất lượng môi trường không khí công nghiêp: Hoạt động sản xuất công nghiệp đang thúc đẩy phát triển nền kinh tế của tỉnh nhưng đó cũng là một trong những nguồn chính gây ô nhiễm môi trường không khí ở Điện Biên mặc dù trên địa bàn tỉnh chưa có các khu công nghiệp và cụm công nghiệp lớn nhưng tại một số nhà máy xí nghiệp trong quá trình hoạt động sản xuất và tiêu thụ nhiên liệu cũng phát sinh các chất gây ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến sức khỏe của công nhân và người dân xung quanh khu vực nhà nhà máy.
Nồng độ các chất gây ô nhiễm môi trường không khí như CO dao động từ 435 - 669 mg/Nm3; nồng độ CO2 dao động từ 3,54 – 8,34 mg/Nm3; NO dao động từ mức < 5 – 645,6 mg/Nm3tuy nhiên năm 2019 nồng độ NO tại nhà máy Xi măng cao bất thường 645,6 mg/Nm3 so với quy chuẩn cho phép là 850 mg/Nm3 nguy cơ ô nhiễm nồng độ NO trong khô khí khá cao nếu không có biện pháp giảm thiểu. Nồng độ NOxtừ năm 2016 đến năm 2019 dao động từ 44,84 - 740 mg/Nm3, mức độ dao động khá lớn giữa các khu vực mặc dù vẫn nằm trong quy chuẩn cho phép. Tuy nhiên với nồng độ NOx tại nhà máy Xi măng năm 2018 là 741 mg/Nm3 năm 2019 là 669 mg/Nm3 xấp xỉ đạt ngưỡng cho phép.
Hình ảnh khu vực khai thác chế biến mỏ đá vật liệu xây dựng.
2. Một số giải pháp bảo vệ môi trường không khí tỉnh Điện Biêna) Giải pháp về cơ cấu tổ chức quản lý môi trườngTiếp tục xây dựng và kiện toàn bộ máy quản lý môi trường ở các cấp; tăng cường cả về nhân lực và vật lực để tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ BVMT đang đặt ra; đặc biệt việc đầu tư các trang thiết bị quan trắc cho Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường là rất cần thiết để quan trắc và giám sát môi trường không khí định kỳ hàng năm và kiểm tra, giám sát đột suất.
Tiếp tục xây dựng các quy chế phối hợp bảo vệ môi trường giữa Sở Tài nguyên và Môi trường với các Sở, ban, ngành liên quan nhằm thống nhất công tác quản lý môi trường nói chung và bảo vệ môi trường không khí nói riêng, tránh sự chồng chéo trong quá trình thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường.b) Giải pháp về mặt chính sách, thể chế, luật pháp liên quan lĩnh vực bảo vệ môi trường nói chung và môi trường không khí nói riêng
Tiếp tục rà soát và ban hành đồng bộ các văn bản hướng dẫn luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ và tổ chức quản lý môi trường không khí từ cấp trung ương đến cấp địa phương
Nâng cao tính chủ động sáng tạo của các tổ chức chính trị, xã hội và đoàn thể trong việc tham gia giám sát các hoạt động bảo vệ môi trường; Xây dựng và ban hành các chính sách xã hội hóa, khuyến khích các thành phần kinh tế trong nước và nước ngoài tham gia giải quyết các vấn đề môi trường. Hoàn thiện và thể chế hóa các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường nói chung và bảo vệ môi trường không khí nói riêng theo hướng quy định rõ quyền lợi, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân và có chế tài cụ thể đối với các trường hợp vi phạm.c) Giải pháp về mặt tài chính, đầu tư cho bảo vệ môi trường không khí
Sớm hình thành hệ thống công cụ kinh tế để quản lý chất lượng không khí theo cơ chế “Người gây ô nhiễm phải trả tiền” qua đó áp dụng triệt để đối với thành phần kinh tế có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường không khí cao như sản xuất kim loại, nhiệt điện, hóa chất, sản xuất xi măng vật liệu xây dựng ...
Tăng cường các nguồn lực tài chính, đa dạng hóa các nguồn đầu tư, tăng cường kinh phí quản lý môi trường không khí từ nguồn ngân sách, nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức. Phấn đấu đầu tư tài chính của năm sau cao hơn năm trước, đảm bảo không thấp hơn 1% tổng chi ngân sách của địa phương.d) Tăng cường kiểm soát, giảm phát thải và đẩy mạnh hoạt động quan trắc
Tăng cường kiểm tra, giám sát các công trình xây dựng nhằm kiểm soát phát tán bụi tại các địa điểm thi công xây dựng và trên các phương tiện vận chuyển nguyên vật liệu xây dựng. Quy hoạch hợp lý các tuyến giao thông trong các khu vực nội thị. Tiếp tục duy trì công tác phun nước và vệ sinh đường phố, kiểm tra chặt chẽ việc rửa sạch và vệ sinh các phương tiện trước khi đi vào khu vực nội thị
Tăng mật độ cây xanh trong đô thị, trồng thêm cây trên các tuyến đường phố, mở rộng và tăng thêm các công viên xanh. Cấm các cơ sở sản xuất lạc hậu, các cơ sơ kinh doanh sản xuất phải đảm bảo các quy chuẩn về khí thải trước khi thải ra môi trường. Kiểm soát chặt chẽ việc phát thải bụi, các khí thải độc hại (dioxin/furan, thủy ngân, VOC ...) vào môi trường không khí xung quanh.
Tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý triệt để các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm cao; rà soát các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các dự án đầu tư phát triển đảm bảo thực hiện nghiêm túc mục tiêu “Không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế”.e) Nguồn lực con người, giải pháp tăng cường sự tham gia của cộng đồng bảo vệ môi trường không khí
Đẩy mạnh chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng góp phần quan trọng thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng, giảm tỷ lệ phát thải khí nhà kính, điều hòa không khí; tăng cường ng công tác tuyên truyền đề nâng cao nhận thức của người dân trong công tác bảo vệ rừng; hoàn thành công tác rà soát xác định diện tích rừng đến từng chủ rừng phục vụ chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Kêu gọi cùng nhau sống hài hòa với thiên nhiên qua đó phát động các tầng lớp nhân dân tham gia phong trào trồng cây gây rừng, phủ xanh đồi trọc, bảo vệ rừng đầu nguồn, bảo vệ môi trường.
Ra quân làm vệ sinh môi trường, thu gom, xử lý chất thải, rác thải, giải quyết các vấn đề môi trường bức xúc, tồn đọng trên địa bàn dân cư; tổ chức trồng cây xanh; diễu hành, cổ động; treo băng rôn, panô, áp phích, khẩu hiệu về chủ đề môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu tại các nơi công cộng, các tuyến đường chính, trụ sở cơ quan, trường học; tổ chức các Cuộc thi Sáng tác ảnh về bảo vệ môi trường; tổ chức tọa đàm trong công tác bảo vệ môi trường…
Khuyến khích các tổ chức, cá nhân sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên; hạn chế sử dụng nguyên liệu, nhiên liệu phát sinh nhiều khí thải gây hiệu ứng nhà kính, biến đổi khí hậu; tăng cường sử dụng các công nghệ, sản phẩm thân thiện với môi trường.
Bài và ảnh Cao Minh Chính
Tác giả: 0
Nguồn tin: 0
Đoàn công tác UBND tỉnh Điện Biên tổ chức kiểm tra và làm việc với UBND huyện Điện Biên về công tác giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện
Ban hành kế hoạch kiểm tra, thẩm định, đánh giá các tiêu chí số 17 và tiêu chí số 14 xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh năm 2022
Triển khai thực hiện nghiêm túc và hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2022 trong Sở Tài nguyên và Môi trường
Sở Tài nguyên và Môi trường: Thăm, chúc tết xã Phì Nhừ, huyện Điện Biên Đông
Thông Báo Đấu Giá Tài Sản
Phê duyệt kết quả Điều tra, đánh giá hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả thải vào nguồn nước trên địa bàn tỉnh Điện Biên, giai đoạn đến 2025
Ban hành Chỉ số đánh giá mức độ Chuyển đổi số doanh nghiệp và hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số
Hội nghị triển khai kế hoạch, nhiệm vụ ngành tài nguyên và môi trường năm 2022
Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức năm 2022 Sở Tài Nguyên Và Môi Trường tỉnh Điện Biên
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Điện Biên kiện toàn tổ chức bộ máy
Trang: