Nhiều hoạt động thiết thực kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ
Thời gian đăng: 07/05/2014 08:00:00 AM
Trong không khí trang trọng của cuộc gặp mặt truyền thống kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2014) do Hội cựu chiến binh tỉnh Thái Bình tổ chức ngày 5/5, có những cái bắt tay, nụ cười của đồng chí, đồng đội và cũng có cả những giọt nước mắt nhớ về một thời "khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non"...Đây là cuộc gặp gỡ của hơn 300 đại biểu đại diện cho những cựu chiến binh, thanh niên xung phong- những người đã trực tiếp chiến đấu làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, năm 1954
Những mái đầu đã bạc trắng và nhiều người bước chân không còn đủ vững nhưng họ vẫn cố gắng đến đây trong màu áo lính với những chiếc huân, huy chương trên ngực, để được gặp gỡ và cùng nhau ôn lại những ký ức của một thời bom đạn ác liệt. Đôi mắt họ nhòa đi khi nghe lại những bài hát hào hùng của một thời như ""Hò kéo pháo"", ""Giải phóng Điện Biên""... Trong số những người con quê hương ""năm tấn"" Thái Bình tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ có những người trở về đoàn tụ cùng gia đình nhưng có những người mãi mãi ""ở lại"" nơi đất trời Điện Biên.
Ông Vũ Văn Nghĩa (xã Minh Lãng, huyện Vũ Thư), người vừa tham gia chiến đấu vừa đào hầm để đưa bộc phá vào sát địch, phá hàng rào tiến đánh lên đồi A1, không giấu nổi xúc động khi nhớ về những người đồng đội đã anh dũng ngã xuống. ""Cuộc chiến ngày càng căng thẳng, quân địch tập trung hỏa lực tấn công nhằm lấp hào giao thông của quân ta. Hai bên giao tranh ác liệt, có đồng chí ôm bộc phá lên chưa kịp cho nổ thì đã bị địch bắn chết, có đồng chí bị thương do mắc phải những lớp rào kẽm gai do địch bố trí... Có nhiều anh em ngã xuống khi chúng tôi còn chưa kịp biết tên nhau!"", ông Nghĩa xúc động nói.
Tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình đã ghi nhận và tỏ lòng biết ơn với thế hệ đi trước đã chiến đấu mang lại độc lập tự do cho dân tộc. Trong kháng chiến chống Thực dân Pháp, quân và dân tỉnh Thái Bình đã có nhiều đóng góp sức người, sức của chi viện cho tiền tuyến với 10 triệu ngày công phục vụ chiến đấu, hàng chục vạn tấn thóc cung cấp cho chiến trường. Chỉ tính riêng từ tháng 2 đến tháng 4/1954 có gần 3.000 tân binh nhập ngũ, bổ sung cho bộ đội chủ lực và đã có gần 870 người vinh dự nhận huy hiệu ""Chiến sỹ Điện Biên"".
*Ngày 5/5, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh Hòa Bình tổ chức gặp mặt cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong và gia đình chính sách tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Các đại biểu đã ôn lại những ngày tháng hào hùng cùng quân, dân cả nước “ khoét núi - ngủ hầm, mưa dầm - cơm vắt” làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược nói chung và Chiến dịch Điện Biên Phủ nói riêng, Hòa Bình đã có 995 thanh niên là con em các dân tộc tham gia quân đội, thanh niên xung phong trực tiếp tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên mọi miền Tổ quốc. Tỉnh Hòa Bình đã tham gia đóng góp hàng chục nghìn tấn lương thực, thực phẩm, huy động trên 300.000 lượt dân công, hàng trăm phương tiện các loại vận chuyển gần 500 tấn hàng phục vụ chiến trường…
* Ngày 5/5, nhân dịp kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã tổ chức 7 đoàn thăm tặng quà cho 30 cựu chiến binh tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ đang sinh sống trên địa bàn tỉnh.
Trong không khí gặp gỡ thân tình, các đoàn công tác đã ân cần thăm hỏi sức khỏe và bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc trước những đóng góp của các cựu chiến binh trong sự nghiệp giải phóng dân tộc. Thay mặt lãnh đạo tỉnh, các đoàn công tác đã tặng quà và chúc các cựu chiến binh luôn mạnh khỏe, nêu cao tinh thần “tuổi cao, chí càng cao”, tích cực động viên con, cháu phát huy truyền thống gia đình thi đua học tốt, phát triển kinh tế, xây dựng gia đình văn hóa. Các đoàn đã tặng mỗi cựu chiến binh một phần quà trị giá gần 2 triệu đồng, trong đó, có 1 triệu đồng tiền mặt.
Các cựu chiến binh đã bày tỏ lời cảm ơn tới Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các cơ quan ban ngành trong tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thời gian qua đã dành nhiều sự quan tâm tới đời sống vật chất cũng như tinh thần của những người có công, đồng thời khẳng định sẽ luôn gương mẫu tại địa phương và giáo dục con cháu để xứng đáng với truyền thống gia đình.
*Chiều 5/5, tại Quảng trường Phạm Văn Đồng, TP.Quảng Ngãi, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Hội Cựu chiến binh tỉnh tổ chức triển lãm ảnh “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp”.
Hơn 150 ảnh tư liệu về chiến dịch Điện Biên Phủ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tuyển chọn, chú thích trưng bày triển lãm. Các bức ảnh đã mô tả lại diễn biến của chiến dịch Điện Biên Phủ cũng như vai trò của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Triển lãm nhằm tuyên truyền, giáo dục các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa lịch sử chiến dịch Điện Biên Phủ và tấm gương sáng ngời của người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam; truyền thống cách mạng dân tộc, phát huy tinh thần đoàn kết dân tộc cũng như ý chí tự cường, tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, phát huy tinh thần đoàn kết toàn dân tộc, hăng hái thi đua lập thành tích, xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh.
Triển lãm đã thu hút đông đảo sự quan tâm của lực lượng cán bộ, cựu chiến binh, quân nhân và nhân dân đến xem. Triển lãm sẽ diễn ra đến hết ngày 10/5/2014.
*Ngày 5/5, nhân kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức gặp mặt các cựu chiến binh và cựu thanh niên xung phong trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.
Tại buổi gặp mặt các đại biểu đã ôn lại truyền thống 60 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Phát biểu tại buổi gặp mặt, ông Chẩu Văn Lâm, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang đã biểu dương và ghi nhận những thành tích, chiến công của các thế hệ cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong của tỉnh Tuyên Quang trong chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ cũng như trong công cuộc xây dựng quê hương Tuyên Quang ngày càng phát triển. Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ trẻ, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước gắn với các phong trào phát triển kinh tế xã hội ở địa phương và quan tâm tới các gia đình chính sách trên địa bàn.
Trong Cách mạng tháng Tám, Tuyên Quang được Trung ương Đảng, Bác Hồ chọn làm Trung tâm cách mạng của cả nước. Trong kháng chiến chống Pháp, Tuyên Quang lại được chọn làm Thủ đô kháng chiến, an toàn khu của Trung ương Đảng và Bác Hồ.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, tỉnh Tuyên Quang đã huy động hơn 56 nghìn lượt người đi dân công. Thi đua với các chiến sĩ mặt trận Điện Biên Phủ, nhân dân các dân tộc Tuyên Quang đã dồn sức bảo vệ an toàn khu (ATK), bảo vệ an toàn Bác Hồ, Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc cùng nhiều cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh trong kháng chiến chín năm.
*Tối 5/5, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hải Dương, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Tỉnh đoàn Hải Dương và Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Dương phối hợp tổ chức chương trình giao lưu với chủ đề “Tiếp bước chiến sĩ Điện Biên” nhân kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2014).
Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng là một sự kiện trọng đại trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Góp phần làm nên chiến thắng ấy có sự đóng góp của biết bao người dân Hải Dương. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, nhiều người con của mảnh đất xứ Đông đã chiến đấu dũng cảm, lập công xuất sắc. Trong số đó, nhiều người đã để lại một phần máu xương của mình và không ít người đã vĩnh viễn nằm lại mảnh đất Điện Biên.
Tại buổi giao lưu, một lần nữa nhân dân Hải Dương cùng sống lại thời khắc hào hùng với những hy sinh, gian khổ và chiến thắng oanh liệt của quân và dân ta trong chiến dịch Điện Biên thông qua các thước phim tư liệu quý cũng như những đổi thay của mảnh đất Điện Biên hôm nay. Bên cạnh đó, khán giả còn được gặp và trò chuyện với những nhân chứng lịch sử là Thiếu tá Tăng Bá Toàn (xã Quyết Thắng, huyện Thanh Hà, nguyên là chiến sĩ bộ binh của Đại đội 202, trung đoàn 209, sư đoàn 312) và Trung tá Trương Quốc Vinh (phường Trần Phú, thành phố Hải Dương, nguyên chiến sĩ bộ binh C84, tiểu đoàn 438, trung đoàn 98, F316). Họ là hai đại diện cho lớp người con quê hương Hải Dương đã trực tiếp tham gia chiến đấu tại chiến trường Điện Biên năm xưa.
Phát huy tinh thần của chiến thắng Điện Biên năm xưa vào công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay, tham gia buổi giao lưu, các chiến sĩ trẻ đại diện cho lớp trẻ Hải Dương đã chia sẻ về các phong trào thi đua tiếp bước chiến sĩ Điện Biên – tiến lên giành 3 nhất do Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh triển khai; thể hiện quyết tâm của thế hệ trẻ trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ đất nước ở giai đoạn hiện nay.
Chương trình giao lưu là dịp để thể hiện sự tri ân đối với sự đóng góp của các thế hệ cha anh đi trước; đồng thời nhằm tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, đảng viên cũng như cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và hội viên cựu chiến binh, cựu quân nhân, các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ về tầm vóc, giá trị lịch sử vĩ đại của Chiến thắng Điện Biên Phủ .Từ đó khơi dậy niềm tự hào dân tộc, nâng cao lòng yêu nước, tinh thần độc lập, tự chủ, ý chí quyết chiến, quyết thắng của lớp trẻ hôm nay vượt qua khó khăn thử thách để bảo vệ vững chắc Tổ quốc và xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp.
*Tối 5/5, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tỉnh đoàn, Hội Cựu chiến binh, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Bắc Kạn phối hợp tổ chức chương trình giao lưu nghệ thuật “60 năm - Bản hùng ca Điện Biên Phủ”. Đây là hoạt động kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2014), nhằm tăng cường giáo dục, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ Bắc Kạn về ý nghĩa, giá trị lịch sử vĩ đại của chiến thắng Điện Biên Phủ cũng như những cống hiến, hy sinh to lớn của các thế hệ cha anh đã làm lên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Chương trình được xây dựng thành ba phần: “Ký ức Điện Biên” với những bài ca đi cùng năm tháng như Hò kéo pháo, Giải phóng Điện Biên, Qua miền Tây Bắc cùng video về chiến dịch Điện Biên Phủ đã đưa người xem đến với những năm tháng hào hùng của dân tộc và giúp cho người xem phần nào hình dung về một thời đạn lửa đầy khó khăn, gian khổ đã thử thách lòng can đảm và ý chí quyết tâm đánh giặc của bộ đội ta. Phần hai “Bắc Kạn với Điện Biên” với những màn hát then, múa hát, và điểm lại những đóng góp của quê hương Bắc Kạn cho chiến dịch Điện Biên Phủ đã giúp người xem hiểu thêm về chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ cũng như hiểu thêm về những đóng góp của quê hương Bắc Kạn cho chiến dịch này. Với chủ đề “Niềm vui chiến thắng” ở phần ba, chương trình đã tái hiện lại những giây phút lịch sử huy hoàng, niềm vui của toàn dân tộc trước giờ phút chiến thắng.
*Tối 5/5, Ban Tuyên giáo tỉnh Thanh Hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa phối hợp tổ chức chương trình nghệ thuật mang tên ""Âm vang Điện Biên"" với sự tham gia của các nghệ sỹ, diễn viên Nhà hát ca múa kịch Lam Sơn và nhà hát chèo Thanh Hóa.
Với những tác phẩm như: Hành quân xa, Qua miền Tây Bắc, Xe thồ Điện Biên, Tình ca Tây Bắc, Hò kéo pháo, giải phóng Điện Biên cùng các màn sử thi ""Từ Thanh Hóa đến Điện Biên"", ""Chào sông Mã anh hùng""... các nghệ sỹ, diễn viên đã tái hiện lại một thời máu lửa hào hùng với lớp lớp thế hệ thanh niên Việt Nam sẵn sàng hy sinh xương máu vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Bên cạnh đó là những thước phim tư liệu và phóng sự chân thực, sống động được dàn dựng công phu của quân và dân cả nước nói chung, quân và dân Thanh Hóa nói riêng trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đã giúp khán giả hiểu thêm về cuộc chiến đấu cam go, ác liệt trong chiến dịch Điện Biên Phủ, thêm tự hào về chiến thắng ""Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu"".
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, để bảo lương thực, thực phẩm, thuốc men và các vật dụng cần thiết để đánh thắng thực dân Pháp, hơn 12 vạn dân công dài hạn và trên 76 nghìn dân công ngắn hạn của Thanh Hóa đã được huy động đảm bảo hậu cần cho chiến dịch, với phương tiện vận chuyển “chuyên dụng” nhất là chiếc xe đạp thồ. Thời điểm đó, tỉnh Thanh Hóa đã huy động số lượng phương tiện lớn nhất trong cả nước với 11.200/20.000 xe đạp thồ, 1.300 chiếc thuyền các loại. Mở đầu đợt vận chuyển, Trung ương giao Thanh Hóa huy động, vận chuyển 1.352 tấn gạo và 100 tấn thực phẩm. Đợt 2, đầu tháng 3/1954, Trung ương giao Thanh Hóa huy động, vận chuyển 1.000 tấn gạo và 165 tấn thực phẩm giao tại Km số 22, đường 41, Thanh Hóa hoàn thành trước thời hạn 3 ngày. Trong lần Bác Hồ về thăm Thanh Hóa ngày 16/3/1957, Bác đã khen ngợi quân và dân Thanh Hóa: ""Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó”.
Chương trình nghệ thuật ""Âm vang Điện Biên"" là dịp để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tỉnh Thanh Hóa ôn lại truyền thống cách mạng vẻ vang, qua đó góp phần giáo dục thế hệ trẻ ghi nhớ công lao và những cống hiến, hy sinh to lớn của đồng bào, cán bộ, chiến sĩ đã không tiếc máu xương và tuổi trẻ làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ.
Cũng hướng tới kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, từ ngày 4-11/5, với chủ đề “Điện Biên Phủ - Thiên sử vàng dân tộc”, tại Trung tâm Triển lãm – Hội chợ - Quảng cáo tỉnh Thanh Hóa đã diễn ra triển lãm, giới thiệu trên 300 ảnh tư liệu, tranh cổ động, hiện vật, 20 bộ phim truyện, phim phóng sự, tài liệu, 300 bản sách, ấn phẩm về chiến dịch Điện Biên Phủ, cùng 100 bài thi tiêu biểu trong cuộc thi “Thanh Hóa với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, phát huy truyền thống Điện Biên Phủ, xây dựng Thanh Hóa thành tỉnh kiểu mẫu”... Triển lãm cũng giới thiệu khái quát những đóng góp to lớn của Đảng bộ, quân và dân Thanh Hóa trong chiến dịch Điện Biên Phủ nói riêng và trong cuộc kháng chiến chống Pháp nói chung; những thành tựu đạt được của Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cũng như trong thời kỳ đổi mới và phát triển ngày nay.
*Tối 5/5, Hội Cựu chiến binh tỉnh Bình Thuận phối hợp với Tỉnh đoàn tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Ký ức Điện Biên Phủ"" nhân kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2014).
Tại buổi tọa đàm, các cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong tỉnh Bình Thuận ôn lại những trận đánh hào hùng, oanh liệt, vẻ vang trong chiến dịch Điện Biên Phủ và kỷ niệm một thời dầm mưa dải nắng chiến đấu cùng đồng đội.
Chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ là một mốc son chói lọi, “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” năm xưa. Chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ góp phần kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp của dân tộc mà còn trở thành động lực to lớn, cỗ vũ các dân tộc thế giới đứng lên giải phón, làm sụp đổ hoàn toàn hệ thông thuộc địa của chủ nghĩa thực dân.
Ông Cao Xuân Thuần, cựu thanh niên xung phong chiến dịch Điện Biên Phủ chia sẻ: 60 năm trôi qua nhưng âm vang của của chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn sâu đậm trong ký ức. Trong không khí cả nước đang hướng về Điện Biên, bao nhiêu ký ức, kỷ niệm lại ùa về trong lòng, ông như đang sống lại những năm tháng hào hùng đó.
Cũng tại buổi tọa đàm, các bạn trẻ đã có dịp giao lưu, được xem những thước phim tài liệu và được nghe lại những câu chuyện lịch sử từ những chiến sỹ từng trực tiếp tham gia trận chiến Điện Biên Phủ năm xưa. Thông qua đó giúp thế hệ trẻ đoàn viên, thanh niên Bình Thuận hiểu thêm về những ngày tháng sống và chiến đấu ở Điện Biên Phủ của các chiến sỹ, về ý nghĩa, giá trị lịch sử vĩ đại của chiến thắng Điện Biên Phủ cũng như những cống hiến, hy sinh to lớn của các thế hệ cha anh. Từ đó tăng cường giáo dục, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng và lòng yêu nước cho thế hệ trẻ Bình Thuận.
*Ngày 5/5, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn tỉnh Đồng Nai đã trao 92 giấy chứng nhận chiến sĩ nhỏ Điện Biên cho các em thiếu nhi tham gia liên hoan Điện Biên tỉnh Đồng Nai năm 2014; Trao cờ quyết chiến quyết thắng cho 3 đơn vị gồm: huyện Xuân Lộc, Thị xã Long Khánh và huyện Tân Phú.
Tham gia liên hoan chiến sỹ nhỏ Điện Biên Phủ năm nay có hơn 92 đại biểu thiếu nhi và 25 đại biểu phụ trách đội đến từ 9 đơn vị huyện, thị, thành trên địa bàn tỉnh. Trong 2 ngày 4và 5/5 Liên hoan diễn ra với các hoạt động như: Tìm hiểu lịch sử với chủ đề “tự hào Điện Biên trang sử vàng”; tái hiện lại chiến dịch Điện biên Phủ. Cũng tại liên hoan, các em thiếu nhi còn được giao lưu với nhân chứng lịch sử, chiến sĩ Điện biên năm xưa, qua đó càng thêm hiểu về những chiến công hiển hách của quân và dân ta trong suốt chiến dịch.
Bên cạnh đó, các chiến sĩ “nhí” còn được cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Đồng Nai hướng dẫn cách sắp xếp nội vụ vệ sinh, tập hợp nhanh; tham gia trò chơi lớn “Em làm chiến sĩ Điện Biên Phủ” với các hoạt động như: kéo pháo, tải đạn, lương thực bằng xe đạp thồ, bắt sống tướng De Casteries…; giao lưu lửa trại mừng chiến thắng; thi hát múa tập thể những bài hát về Điện Biên Phủ…Đây là hoạt động nhằm trang bị thêm kiến thức về chiến dịch Điện Biên Phủ, giúp các em hiểu hơn về truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam; khơi dậy niềm tin và lòng tự hào dân tộc để từ đó nỗ lực phấn đấu, rèn luyện trở thành người công dân có ích cho xã hội.
Thông báo danh sách người dự tuyển đủ điều kiện xét tuyển công chức, viên chức năm 2016
Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ.
Hưởng ứng Ngày Quốc tế đa dạng sinh học năm 2017: “Đa dạng sinh học và Du lịch bền vững”
Tích cực triển khai Dự án “Xây dựng cơ sở dữ liệu nền thông tin cơ bản phục vụ quy hoạch, phát triển kinh tế - xã hội và giám sát tài nguyên thiên nhiên và môi trường CHDCND Lào”
Ủy ban MTTQ tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường ký kết Chương trình phối hợp thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực vực tài nguyên và môi trường giai đoạn 2017-2020
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường
Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Sơn làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Điện Biên
Lễ hưởng ứng chiến dịch “Giờ Trái đất” năm 2017
Thông báo về việc tuyển dụng công chức, viên chức năm 2017
Bổ sung thêm cán bộ tham gia triển khai kế hoạch của UBND tỉnh về giải quyết tình trạng phá rừng và di dân tự do tại huyện Mường Nhé
Trang: