Nguồn lực để bảo vệ rừng
Thời gian đăng: 02/12/2019 08:00:00 AM
Trong những năm qua, nhờ sự vào cuộc của hệ thống chính trị cùng toàn thể nhân dân mà công tác giao đất, giao rừng trên địa bàn huyện Nậm Pồ được đẩy mạnh, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng được thực hiện đến cộng đồng thôn bản, người dân được hưởng lợi từ rừng, có ý thức trong bảo vệ rừng, từ đó tỷ lệ che phủ rừng tăng lên.
Gia đình ông Lò Văn Pỏm phát triển bằng nguồn vốn từ chính
sách chi trả dịch vụ môi trường
Mô hình phát triển kinh tế của gia đình ông Lò Văn Pỏm ở bản Mới, xã Chà Cang có được như ngày hôm nay là nhờ tiền từ nguồn chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Ông chia sẻ, từ chính sách này mỗi năm gia đình ông có một khoản tiền hơn 20 triệu đồng, với số tiền đó, ông đã đầu tư vào mua con giống, trang bị thêm máy móc làm ruộng, mua gà, mua lợn về nuôi. Tích góp nhiều năm có một khoản tiền khá khá, ông mua bò sinh sản, đào ao thả cá và trồng thêm nhiều giống cây ăn quả. Từ mô hình kinh tế này, mỗi năm đem lại cho gia đình ông khoản thu nhập trên 60 triệu đồng. Cách làm của gia đình ông Pỏm là một trong nhiều mô hình kinh tế khác ở xã Chà Cang phát triển bằng nguồn vốn từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đem lại hiệu quả trong những năm qua.
Hiện nay, toàn huyện Nậm Pồ có hơn 60.200 ha đất lâm nghiệp có rừng, độ che phủ rừng toàn huyện đạt trên 40%. Thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, đến nay huyện Nậm Pồ đã giao khoán tổng diện tích trên 49.000 ha rừng cho 130 chủ rừng. Từ năm 2015 đến nay, số tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng của huyện đạt trên 130 tỷ đồng. Từ việc thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng đã giúp người dân tăng thu nhập từ rừng. Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã đi vào cuộc sống và mang lại hiệu quả thiết thực. Công tác quản lý, bảo vệ rừng có nhiều chuyển biến tích cực, người dân không những tự ý thức được trách nhiệm gìn giữ nguồn tài nguyên rừng mà còn tích cực tham gia nhận khoán khoanh nuôi bảo vệ thêm diện tích rừng, trồng rừng.
Nậm Pồ chú trọng nhân rộng nhiều mô hình trồng các loại lâm
sản khác ngoài gỗ
Ông Lèng Văn Tự - Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Khăn, huyện Nậm Pồ cho biết, Xã Nậm Khăn là xã đặc biệt khó khăn, về sản xuất nông, lâm nghiệp chủ yếu dựa vào rừng, trên tinh thần đó toàn xã xác định việc trồng rừng, bảo vệ rừng là vấn đề rất quan trọng; định hướng của xã là định hướng cho bà con nhân dân chủ yếu là trồng cây dưới tán rừng như cây sa nhân và các loại lâm sản phụ khác. Với phần lớn diện tích rừng ở Nậm Pồ là rừng già tự nhiên nên thảm thực vật dưới tán rừng phát triển mạnh, cung cấp cho con người nguồn lâm sản phụ đa đạng, phong phú, như: Sa nhân, thảo quả, măng, nấm, mộc nhĩ, lá dong, mật ong, nguyên liệu sản xuất hàng thủ công, dược liệu.v.v… Để bảo vệ và khai thác nguồn lâm sản phụ dưới tán rừng, huyện Nậm Pồ đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động làm chuyển biến nhận thức của nhân dân về quản lý, bảo vệ và hưởng lợi từ rừng. Từ đó đổi mới và có nhiều cách làm hay, sáng tạo để bảo vệ rừng và khai thác hiệu quả nguồn lâm sản phụ dưới tán rừng. Nhiều mô hình trồng các loại lâm sản ngoài gỗ được nhân rộng, điển hình như: Mô hình trồng Sa Nhân xanh dưới tán rừng ở xã Nậm Khăn, Chà Nưa, Chà Tở, Pa Tần; Mô hình trồng Chít tại xã Nậm Nhừ, Nậm Chua, Nà Khoa; Mô hình trồng cây thảo quả ở xã Na Cô Sa… hàng năm mang lại cho nhân dân hàng chục tỷ đồng. Việc tiếp cận với tài nguyên rừng đã giúp các hộ dân đa dạng hoá sinh kế của họ và giảm khả năng hứng chịu rủi ro để phát triển bền vững. Theo đó, người dân đã dần nhận thức được về lợi ích, hiệu quả kinh tế từ lâm sản ngoài gỗ với giá trị kinh tế của tài nguyên rừng và sự đa dạng sinh học nên đã có ý thức bảo vệ, bảo tồn và phát triển, khai thác một cách hiệu quả và bền vững.
Với việc thực hiện tốt các cơ chế, chính sách bảo vệ, phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo nhanh và bền vững, nhất là thực hiện giao khoán bảo vệ rừng, chi trả dịch vụ môi trường rừng, đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng và phát triển rừng trên địa bàn huyện Nậm Pồ./.
Phạm Trà
Tác giả: 0
Nguồn tin: 0