(TN&MT) – Sau 10 năm triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay, huyện Tủa Chùa vẫn chưa có xã nào đạt chuẩn tiêu chí số 17 về môi trường. Mặc dù đã tập trung nhiều giải pháp song thực tế cho thấy bài toán thực hiện tiêu chí môi trường ở huyện vùng cao Tủa Chùa vẫn còn rất nan giải. Còn nhiều khó khăn Ông Nguyễn Trung Thành, Trưởng phòng tài nguyên và Môi trường huyện Tủa chùa cho biết: Đến nay, tỷ lệ hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh đến nay 78,5% và 34,5% hộ gia đình ở nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh, các chỉ tiêu khác về môi trường đều ở mức độ thấp không đạt được kết quả so với tiêu chí đề ra. 11/11 xã trên địa bàn huyện chưa đạt được tiêu chí môi trường. Do xuất phát điểm là huyện nghèo nên việc thực hiện tiêu chí môi trường trên địa bàn huyện Tủa Chùa gặp rất nhiều khó khăn Nguyên nhân dẫn đến các chỉ tiêu của tiêu chí môi trường chưa đạt hoặc đạt ở mức thấp được xác định là do Tủa Chùa là huyện nghèo của tỉnh Điện Biên, tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm trên 95%, dân cư phần lớn còn sống thưa thớt, trình độ dân trí còn hạn chế, giao thông đi lại chưa thuận lơi, đời sống nhân dân trong những năm qua tuy đã có nhiều cải thiện nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Do đó việc tham gia bảo vệ môi trường nói chung và thực hiện tiêu trí về môi trường nói riêng còn gặp không ít khó khăn, thách thức.
Các công trình nước sinh hoạt phục vụ đời sống cho nhân dân tuy đã được quan tâm đầu tư song chủ yếu là các công trình tự chảy, mới chỉ đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho nhân dân. Điều đó dẫn đến tỷ lệ hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh và nước sạch theo quy định còn thấp. Việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt tập trung trên địa bàn, nhất là ở các bản vùng cao, vùng sâu còn chưa thực hiện được, chủ yếu mới dừng lại ở hộ gia đình tự thu gom, chôn lấp, đốt thủ công hoặc thải ra ngoài. Cùng với đó, tập quán chăn nuôi của một bộ phận người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số còn lạc hậu, hộ chăn nuôi không xây chuồng trại hợp vệ sinh, nếu có thì chỉ che chắn đơn sơ tạm bợ, ban ngày thì thả rông gia súc, phân gia súc vương vãi xung quanh nhà và đường đi. Một số ít nơi vẫn còn tình trạng nhốt gia súc, gia cầm ngay dưới gầm nhà sàn làm ô nhiễm môi trường sống của chính gia đình mình và những hộ xung quanh… Tỷ lệ người dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh còn thấp Hệ thống thoát nước thải, xử lý nước thải chưa được đầu tư, nước thải sinh hoạt, chăn nuôi, sản xuất tiểu thủ công nghiệp cơ bản đều đổ trực tiếp ra môi trường, ngấm vào đất hoặc chảy vào ao, hồ, sông...
Các hộ nông dân vẫn còn thói quen vứt bao bì thuốc bảo vệ thực vật khắp bờ ruộng, lòng mương, vì thế làm ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống. Tập trung nhiều giải pháp trọng tâm Ông Vừ A Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tủa Chùa cho biết: Nhằm từng bước khắc phục những khó khăn nêu trên, phân đấu từng hoàn thiện các chỉ tiêu thuộc tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới, UBND huyện xác định cần tập trung chỉ đạo thực hiện tốt một số giải pháp: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới các tầng lớp nhân dân, các tổ chức về ý nghĩa và tầm quan trọng về môi trường đối với cuộc sống cộng đồng; vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn hoá thân thiện với môi trường, tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, gắn công tác bảo vệ môi trường với xây dựng nông thôn mới tại các xã. Phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, vận động đoàn viên, hội viên tích cực tham gia bảo vệ môi trường; sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên; đưa việc giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường trở thành nội dung thực hiện nếp sống văn hoá ở các địa phương, cơ quan, đơn vị; tăng cường sự giám sát của cộng đồng, các cơ quan, thông tin đại chúng đối với hoạt động bảo vệ môi trường.
Tăng cường kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện công tác bảo vệ môi trường ở các xã, thị trấn, các cơ quan đơn vị và doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đóng trên địa bàn. Cùng với đó, tăng cường quản lý hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y và các chất cấm khác theo quy định; hướng dẫn người dân thực hành quy trình quản lý tốt đối với hệ thống chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, giết mổ, chế biến nông sản đi kèm với các biện pháp xử lý chất thải đồng bộ, hiệu quả; triển khai, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, thân thiện với môi trường, áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác tiên tiến, sử dụng các loại phân bón hóa học, thuốc trừ sâu đúng cách. Nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, đến nay, người dân đã tự nguyện đóng góp ngày công, hiến đất để xây dựng các công trình vệ sinh môi trường trên địa bàn các xã. Hàng tháng, các xã đã huy động nhân dân thực hiện quét dọn các tuyến đường trung tâm thôn, bản, các hương ước cam kết về môi trường đã được xây dựng. Các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn các xã đã chú ý hơn đến việc đảm bảo vệ sinh ATTP và vệ sinh môi trường đảm bảo sức khỏe cho người dân. Các hộ dân chăn nuôi đã quan tâm hơn đến việc xây dựng chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh. Mai táng theo phong tục tập quán chôn cất không theo quy hoạch đã được hạn chế. Nhờ đẩy mạnh tuyên truyền, người dân đã có ý thức xây dựng chuồng trại trong chăn nuôi Ông Vừ A Hùng cho biết thêm: Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục kêu gọi, huy động các nguồn lực trong cộng đồng dân cư, doanh nghiệp cùng tham gia vào hoạt động bảo vệ môi trường. Chỉ có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong lãnh, chỉ đạo, sự vận động các tổ chức, cộng đồng trong xã hội và nhân dân cùng chung tay, chung sức tham gia thì mới hoàn thành các chỉ tiêu của tiêu chí 17 về NTM trên địa bàn huyện.