Để chủ động thực hiện các nội dung về bảo vệ môi trường trong công tác phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi, Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có văn bản số 1025/BTNMT-TCMT ngày 11/3/2019 đề nghị các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường bảo vệ môi trường trong phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi. Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chính quyền địa phương tăng cường kiểm soát môi trường các khu vực chăn nuôi, giết mổ và công tác tiêu độc khử trùng, thu gom xử lý chất thải và tổ chức tiêu hủy an toàn đối với toàn bộ số lợn bị mắc dịch. Đồng thời có kế hoạch huy động các nguồn lực như nhân lực, thiết bị, phương tiện, kinh phí... cho việc giám sát, xử lý ô nhiễm môi trường và sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh. Nguồn internet Dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 147 xã, 37 huyện của 13 tỉnh, thành phố, gồm: Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Hòa Bình, Điện Biên, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Ninh Bình và Nam Định.
Hiện nay, tính sơ bộ đã có khoảng 13.000 con lợn bị nhiễm bệnh phải tiêu hủy. Dịch tả lợn châu Phi không lây sang người, nhưng về chăn nuôi rất tổn thất. Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành các tỉnh, thành trên cả nước đã có những chỉ đạo và hành động quyết liệt nhằm phòng chống dịch bệnh này. Trên địa bàn tỉnh Điện Biên đến nay phát hiện 02 huyện và 05 xã mắc bệnh dịch. Cho đến hết ngày 13/3, huyện Tuần Giáo đã tiến hành tiêu hủy 56 con lợn mắc bệnh trong vùng ổ dịch tả lợn Châu Phi với tổng trọng lượng hơn 2.000kg của 30 hộ, ở 12 bản thuộc 4 xã: Rạng Đông, Ta Ma, Mùn Chung và Mường Mùn Sau Tuần Giáo, Mường Ảng là huyện thứ hai trên địa bàn tỉnh Điện Biên xuất hiện bệnh dịch tả lợn Châu Phi, sáng ngày 15/3, tại bản Huổi Cắm, xã Búng Lao đã có 8 con lợn bị chết và nhiều con khác đang bị ốm. Chính quyền huyện đã tiến hành tiêu hủy số lợn chết theo quy định.Cũng theo lãnh đạo huyện Mường Ảng, Huổi Cắm là bản sống độc lập, cách xa với các bản khác, số lượng lợn nuôi trong bản hơn 100 con. Do đó, huyện Mường Ảng đang lên phương án sẽ tiêu hủy toàn bộ số lợn này để khoanh vùng dập dịch. Nếu dập tắt được dịch ở bản Huổi Cắm, bệnh sẽ khó lây lan sang khu vực khác.
Nguồn internet Nhằm khống chế bệnh dịch tả lợn Châu Phi ngày 7/3/2019, UBND tỉnh Điện Biên ban hành Công điện số 02/CĐ-UBND về việc triển khai các giải pháp cấp bách ngăn chặn bệnh dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh. Để ngăn chặn nguy cơ dịch lây lan, huyện Tuần Giáo thành lập 10 chốt kiểm dịch cấp xã, huyện và đội kiểm soát lưu động chốt chặn tại các xã có dịch và tuyến quốc lộ 279, quốc lộ 6; chỉ đạo các đơn vị, chính quyền các xã, thị trấn theo dõi đàn lợn, hướng dẫn các hộ dân sử dụng các biện pháp an toàn chăn nuôi; vệ sinh phun thuốc sát trùng liên tục khu vực có dịch, đường ra vào khu vực, vùng có nguy cơ xảy ra dịch. Dự báo trong thời gian tới, nguy cơ bùng phát dịch bệnh là rất cao, do nguyên nhân khi lợn ốm, một số người dân không báo cho chính quyền địa phương và thú y xã kịp thời, mà tự mổ lợn ăn thịt và bày bán trái quy định làm phát tán lây lan dịch bệnh; đồng thời hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ và thả rông cũng dễ dẫn đến lây lan bệnh dịch nhanh. Hiện nay bệnh dịch tả lợn Châu Phi chưa có vắc-xin điều trị hữu hiệu, nên nguy cơ dịch bệnh lây lan ra diện rộng là rất nhanh. Vì thế các cơ quan chức năng chuyên môn của tỉnh khuyến cáo người dân cần chủ động kiểm tra, giám sát đàn lợn của gia đình; nếu có triệu chứng bất thường khẩn trương báo cho cơ quan chuyên môn để chủ động trong việc chẩn đoán. Bên cạnh đó, phải tuyệt đối chấp hành việc vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại, cách ly đối với những con lợn bị bệnh; không được phép mua bán lợn bệnh, không sử dụng thực phẩm từ thịt lợn không rõ nguồn gốc và tuyệt đối không ăn tiết canh lợn./.