Chất thải rắn khu vực nông thôn trên địa bàn Tỉnh Điện Biên đã và đang trở thành vấn đề nổi cộm, phát sinh ngày càng nhiều, đa dạng về thành phần và tính chất độc hại. Thực trạng tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh khoảng 225,8 tấn/ngày. Tỷ lệ thu gom chất thải rắn tại khu vực đô thị đạt 90%, tại khu dân cư nông thôn và làng nghề đạt 12% trên tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt nông thôn phát sinh. Chất thải chăn nuôi trên địa bàn tỉnh phát thải khoảng 2.620.688 tấn/năm. Phần lớn chất thải chăn nuôi được sử dụng làm phân bón. Nhưng vẫn còn các hộ chăn nuôi có quy mô lớn hàng ngày thải ra một lượng lớn chất thải không được xử lý và đổ trực tiếp vào hệ thống thoát nước kênh, mương trong vùng. Rác thải, vỏ bao bì hoá chất BVTV được vứt bừa bãi bên khe suối cạn
Tại nhiều vùng nông thôn tỉnh Điện Biên hiện tượng vứt vỏ bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật, súc rửa dụng cụ trên sông, mương diễn ra còn phổ biến. Gây ảnh hưởng xấu đến môi trường cũng như đến sức khỏe cộng động do các hóa chất còn sót lại trong các chai lọ và vỏ bao bì. Trước thực trạng đó Sở Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì tiến hành 02 đợt thu gom vận chuyển xử lý hóa chất bảo vệ thực vật và vỏ bao bì hóa chất bảo vệ thực vật sau sử dụng trên địa bàn tỉnh với tống khối lượng 3.450 kg (đợt 1 năm 2010 khối lượng 1.745 kg và đợt 2 năm 2018 khối lượng 1.705 kg), với tổng kinh phí vận chuyển xử lý 270 triệu từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường. Để quản lý chất thải rắn khu vực nông thôn trên địa bàn Tỉnh Điện Biên, Sở Tài nguyên và Môi trường: Tiếp tục chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổng hợp khối lượng, xây dựng nhu cầu kinh phí để thực hiện thu gom vận chuyển xử lý chất thải rắn gửi Sở Tài chính thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt.
Đồng thời làm đầu mối hợp đồng với các đơn vị, doanh nghiệp được cấp giấy phép xử lý chất thải nguy hại để tiến hành vận chuyền, xử lý đúng theo quy định. Hiện nay trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã xây dựng 52 bể thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật tại cánh đồng Mường Thanh, huyện Điện Biên và thành phố Điện Biên Phủ. Thu gom vỏ bao bì hoá chất BVTV sau sử dụng Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, rà soát các mô hình bảo vệ môi trường hiện có, nhân rộng các mô hình hiệu quả, triển khai xây dựng các mô hình mới, chú trọng lồng ghép mô hình phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Phát triển các dịch vụ thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải và các dịch vụ khác bảo vệ môi trường với sự tham gia của mọi thành phần kinh tế. Tăng cường công tác phối hợp, phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, các cơ quan thông tin đại chúng trong tuyên truyền về bảo vệ môi trường; sự giám sát của cộng đồng đối với hoạt động bảo vệ môi trường./.