ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐIỆN BIÊN

SỞ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG

Chào mừng quý bạn đọc đến với Trang thông tin điện tử Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Điện Biên
  • Kết quả sau 15 năm thực hiện công tác quản lý bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Điện Biên
  • Thời gian đăng: 24/09/2018 08:00:00 AM
  • Năm 2018 đánh dấu sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng của ngành Tài nguyên và Môi trường, cũng là thời điểm đánh dấu tròn 15 năm công tác quản lý bảo vệ môi trường của Sở Tài nguyên và Môi trường (giai đoạn 2003 – 2018).
  • Tập thể Cán bộ Chi cục Bảo vệ môi trường Năm 2018 đánh dấu sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng của ngành Tài nguyên và Môi trường, cũng là thời điểm đánh dấu tròn 15 năm công tác quản lý bảo vệ môi trường của Sở Tài nguyên và Môi trường (giai đoạn 2003 – 2018). Tháng 10 năm 2003, Sở Tài nguyên và Môi trường được thành lập theo Quyết định số 63/QĐ-UB của UBND tỉnh Lai Châu (cũ), theo đó thành lập Phòng Tài nguyên Môi trường, Nước và Khí tượng thủy văn thuộc Sở có chức năng quản lý nhà nước về môi trường. Ngày 10 tháng 7 năm 2009, UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành Quyết định số 1131/QĐ-UBND về việc kiện toàn tổ chức bộ máy Sở Tài nguyên và Môi trường, trong đó thành lập Chi cục Bảo vệ Môi trường là cơ quan chuyên môn trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường có chức năng tham mưu cho Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh. Sự ra đời của Chi cục Bảo vệ môi trường là một bước quan trọng trong việc nâng cao lĩnh vực quản lý môi trường đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, Chi cục Bảo vệ môi trường gồm có 2 phòng chuyên môn (Phòng Tổng hợp và đánh giá tác động môi trường, Phòng Kiểm soát ô nhiễm) với tổng số cán bộ công chức là 8 người (8/8 có trình độ đại học). Trong 15 năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường. Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các Sở, ban, ngành, địa phương triển khai làm tốt công tác quản lý bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh; chủ trương xã hội hoá công tác bảo vệ môi trường đã được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện, góp phần căn bản để đảm bảo phát triển bền vững kinh tế xã hội của tỉnh. Công tác xây dựng văn bản thực hiện thể chế, chính sách, pháp luật về BVMT để tăng cường công tác quản lý BVMT trên địa bàn tỉnh: Tham mưu triển khai kịp thời các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước về lĩnh vực quản lý môi trường đem lại hiệu quả thiết thực. Đặc biệt là đã tham mưu cho Ban thường vụ Tỉnh uỷ ban hành Chỉ thị số 22/CT-TU ngày 30/8/2005 về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND ban hành Nghị quyết số 250/2011/NQ-HĐND ngày 30/12/2011 của HĐND tỉnh Điện Biên Về việc quy định thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Điện Biên; Kế hoạch số 333/KH-UBND ngày 27/4/2006 về thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Công văn số 553/CV-UBND ngày 14/7/2006 về việc chi ngân sách sự nghiệp môi trường hàng năm; Quyết định số 18/2007/QĐ-UBND ngày 02/10/2007 về việc ban hành Quy chế bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Điện Biên; Công văn số 180/CV-UBND ngày 19/2/2009 về việc tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn toàn tỉnh; Quyết định số 2278/QĐ-UBND ngày 18/12/2009 phê duyệt dự án Quy hoạch bảo vệ môi trường tỉnh Điện Biên đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020; Kế hoạch 1368/KH-UBND ngày 20/8/2010 về bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Điện Biên đến năm 2015 định hướng đến năm 2020; Quyết định 39/2011/QĐ-UBND ngày 30/12/2011 về việc tổ chức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Điện Biên; Quyết định 40/2011/QĐ-UBND ngày 30/12/2011 về việc tổ chức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp trên địa bàn tỉnh Điện Biên; Kế hoạch số 3613/KH-UBND ngày 06/12/2013 của UBND tỉnh Điện Biên về Triển khai thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 18/3/2013 của Chính phủ về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Điện Biên; Nghị Quyết số 12-NQ/TU ngày 06/6/2014 của Ban thường vụ Tỉnh ủy Điện Biên về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Quyết định số 675/QĐ-UBND ngày 08/8/2017 của UBND tỉnh Điện Biên về việc Ban hành kế hoạch thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn tỉnh Điện Biên; Kế hoạch số 620/KH-UBND ngày 09/3/2017 của UBND tỉnh Điện Biên Triển khai thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ và giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Điện Biên… đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ công tác bảo vệ môi trường trên phạm vi toàn tỉnh. Trên cơ sở hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật và hệ thống quản lý nhà nước, các hoạt động bảo vệ môi trường đã thực sự phát huy hiệu quả. Công tác kiểm soát ô nhiễm có những chuyển biến nhất định. Công tác thẩm định, tham mưu trình duyệt cấp phép trong lĩnh vực quản lý bảo vệ môi trường: Với mục đích phòng ngừa là chính, việc đánh giá tác động môi trường ngày càng được quan tâm, công tác thẩm định được nâng cao về chất lượng; từ năm 2003 đến nay, Sở đã phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt 123 báo cáo đánh giá tác động môi trường, 01 báo cáo đánh giá môi trường chiến lược, 10 đề án bảo vệ môi trường chi tiết, 27 dự án cải tạo phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản; trình Lãnh đạo Sở xác nhận 47 Kế hoạch bảo vệ môi trường; Sở đã thẩm định và cấp 126 Sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại; hướng dẫn Phòng Tài nguyên môi trường cấp huyện công tác thẩm định và xác nhận: 1.300 bản cam kết bảo vệ môi trường, 200 đề án bảo vệ môi trường và 87 Dự án cải tạo phục hồi môi trường và hơn 250 bản kế hoạch bảo vệ môi trường. Triển khai thực hiện thu phí bảo vệ môi trường đối với các cơ sở có phát sinh nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh; giai đoạn 2003 – 2018, đã thu được hơn 8.099 triệu đồng (trong đó: nước thải công nghiệp là 466 triệu đồng, nước thải sinh hoạt là 7.633 triệu đồng). Tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm và phòng chống sự cố môi trường: Công tác thanh, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp, cơ sở, sản xuất, kinh doanh được thực hiện thường xuyên, trong đó tập trung việc xử lý tiêu hủy triệt để thuốc BVTV tồn đọng trên địa bàn tỉnh; quan trắc đánh giá mức độ ô nhiễm tại các khu vực trọng điểm ô nhiễm do các kho thuốc bảo vệ thực vật và các bãi rác, lập dự án cải thiện môi trường đảm bảo sức khoẻ cho nhân dân. Điển hình là việc xử lý 3.397 kg thuốc bảo vệ thực vật tồn lưu trên địa bàn toàn tỉnh; Dự án “Cải tạo, xử lý triệt để ô nhiễm bãi chôn lấp rác thải Noong Bua, thành phố Điện Biên Phủ”; đôn đốc Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Điện Biên lập, trình phê duyệt Đề án bảo vệ môi trường; Yêu cầu thực hiện báo cáo giám sát môi trường định kỳ của các cơ sở, đơn vị gây ô nhiễm môi trường như Công ty cổ phần Cà phê Thái Hòa Mường Ảng, Công ty Xi măng Điện Biên, Công ty Cổ phần thủy điện Nậm Mức, bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên… Hướng dẫn 04 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên, Bệnh viện Y học cổ truyền, bãi rác Noong Bua thành phố Điện Biên Phủ và hệ thống xử lý nước thải thành phố Điện Biên Phủ) hoàn thành các biện pháp xử lý triệt để theo Quyết định 64/2003/QĐ-TTg ngày 22/4/2003 của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay đã đưa được 2/4 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên) ra khỏi danh sách Quyết định 64/2003/QĐ-TTg; trong năm 2018, hoàn thành xử lý triệt để 2 cơ sở còn lại theo quy định. Xây dựng, trình duyệt và tổ chức thực hiện các dự án về bảo vệ môi trường như: Xây dựng quy hoạch bảo vệ môi trường tỉnh Điện Biên đến năm 2010 định hướng đến năm 2020; điều tra chất thải rắn sinh hoạt, chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại trên địa bàn tỉnh Điện Biên; điều tra, khảo sát và nghiên cứu các dạng tai biến địa chất và môi trường phục vụ quy hoạch sử dụng hợp lý lãnh thổ tỉnh Điện Biên; điều tra, lập quy hoạch bảo tồn và khai thác bền vững đất ngập nước hồ Pa Khoang tỉnh Điện Biên; quản lý môi trường tại các khu bảo tồn, khu du lịch tỉnh Điện Biên; Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Điện Biên đến năm 2020 định hướng đến năm 2030; nghiên cứu xây dựng mô hình thí điểm nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường; tiếp tục triển khai dự án Thành lập Khu bảo tồn loài - sinh cảnh cấp Quốc gia Pá Khoang - Mường Phăng. Tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức về môi trường: Công tác giáo dục tuyên truyền nâng cao nhận thức BVMT được coi là một giải pháp quan trọng hàng đầu bởi vì muốn làm tốt công tác BVMT trước hết cần nâng cao nhận thức BVMT cho cộng đồng, thông qua đó giúp cho nhiều đối tượng là cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn kỹ thuật, các cơ sở sản xuất-kinh doanh và nhân dân nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng và trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể, địa phương với việc BVMT chung của cộng đồng. Trong thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp tốt với ngành, các cấp tăng cường phổ biến tuyên truyền Nghị quyết số 41-NQ/TW, Chương trình hành động của Chính phủ, Chỉ thị số 22/CT-TU của Tỉnh uỷ đến các tổ chức, địa bàn cơ sở, các tầng lớp nhân dân, đưa Luật Bảo vệ Môi trường vào cuộc sống. Thường xuyên chủ động tiến hành một cách đa dạng hướng dẫn các Sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các tổ chức chính trị xã hội tổ chức các sự kiện, chiến dịch truyền thông môi trường nhân dịp hưởng ứng ngày Nước sạch và vệ sinh môi trường, ngày Môi trường Thế giới, Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn: Giai đoạn 2003 – 2018 Sở phối hợp với UBND cấp huyện và các tổ chức đoàn thể tổ chức được hơn 75 cuộc mít tinh hưởng ứng các ngày lễ lớn về môi trường tại 10/10 huyện, thị xã, thành phố với hơn 260.000 lượt người tham gia; Xây dựng, phát sóng 250 chuyên mục Tài nguyên môi trường phát sóng trên sóng phát thanh và sóng truyền hình tỉnh; xuất bản 40 Bản tin tài nguyên môi trường; phát hành hơn 41.000 tờ rơi tuyên truyền về bảo vệ môi trường; Tổ chức 03 Hội nghị cấp tỉnh, 7 lớp tập huấn cấp huyện triển khai Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đối với cán bộ chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện và các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh… thông qua các hoạt động tuyên truyền đã giúp nâng cao nhận thức và ý thức bảo vệ môi trường của người dân, cộng đồng doanh nghiệp, các cấp, các ngành và toàn xã hội. Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường trong giai đoạn 2003-2018 không chỉ dừng lại ở các sinh hoạt mang tính văn hoá, xã hội, mà còn là yếu tố quan trọng thúc đẩy tiến trình xã hội hoá công tác bảo vệ môi trường. Đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đã ký 09 Nghị quyết liên tịch về việc phối hợp hành động bảo vệ môi trường với UBMTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội; ký kế hoạch phối hợp trong công tác bảo vệ môi trường với Công an tỉnh. Xây dựng được nhiều mô hình điểm trong lĩnh vực hoạt động bảo vệ môi trường: Mô hình “Đội thanh niên tình nguyện xanh thành phố Điện Biên Phủ”; mô hình “Nhà tiêu hợp vệ sinh” và mô hình “Trồng cây ăn quả có giá trị phát triển kinh tế kết hợp với BVMT”; triển khai thực hiện được nhiều phong trào có nội dung hoạt động cụ thể, thiết thực: Phong trào “Ngày chủ nhật xanh”, phong trào “Xanh - sạch - đẹp”, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư”, phong trào “Sạch từ nhà ra ngõ - sạch từ ngõ vào nhà” và phong trào “2 không - 1 có - 2 sạch” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư” và Chương trình xây dựng nông thôn mới. Thực hiện quan điểm "đầu tư vào bảo vệ môi trường là đầu tư phát triển", từ năm 2007 đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Sở Tài chính tham mưu cho UBND tỉnh phân bổ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường cho các Sở, ban, ngành, đoàn thể chính trị và UBND các huyện, thị xã, thành phố để thực hiện các nhiệm vụ, dự án bảo vệ môi trường. Việc phân bổ, sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường về cơ bản, đảm bảo đáp ứng 1% tổng chi ngân sách địa phương. Việc phân bổ, sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường tăng dần theo từng năm từ 9.277 triệu (2007) lên 67.603 triệu (2018) đảm bảo trung bình tăng từ 6,3% đến 72,87 %/ năm. Nguồn kinh phí các năm được phân bổ chủ yếu tập chung cho các nhiệm vụ chính đó là: Chi cho công tác tuyên truyền và phổ biến giáo dục pháp luật, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ về bảo vệ môi trường (chiếm từ 5-10%); triển khai các dự án bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Điện Biên (chiếm từ 20-30%); hỗ trợ ông tác thu gom rác thải và vệ sinh môi trường tại các địa phương (chiếm từ 60-70%); hỗ trợ công tác thanh tra, kiểm tra tình hình tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường (chiếm khoảng 5%). Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ việc chi kinh phí cho các hoạt động bảo vệ môi trường tăng dần qua các năm. Các cơ sở đã tự giác đầu tư kinh phí xây dựng, lắp đặt và vận hành hệ thống xử lý chất thải, nước thải, thực hiện chương trình quan trắc, giám sát môi trường… đem lại hiệu quả tích cực trong sản xuất, kinh doanh gắn với bảo vệ môi trường. Ngoài ra, kinh phí đầu tư cho bảo vệ môi trường còn được hỗ trợ của Trung ương (từ Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam ) và được đầu tư cải tạo các bãi rác thải sinh hoạt hợp vệ sinh tại thành phố Điện Biên Phủ, huyện Điện Biên Đông, Mường Nhé… hệ thống xử lý chất thải của Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Y học cổ truyền. Sở còn chủ trì triển khai xây dựng báo cáo hiện trạng môi trường tỉnh giai đoạn 2006-2010; báo cáo hiện trạng môi trường tỉnh Điện Biên giai đoạn 2011-2015; báo cáo chuyên đề hiện trạng môi trường đô thị tỉnh Điện Biên năm 2017 và quan trắc phân tích hiện trạng môi trường bãi rác trung tâm các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh; tổ chức quan trắc môi trường và điều tra, đánh giá, xác định phạm vi, mức độ ô nhiễm và xây dựng phương án xử lý, cải tạo phục hồi môi trường Kho thuốc BVTV C17 xã Thanh Xương, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên; xây dựng và thực hiện Kế hoạch quan trắc chất lượng môi trường hàng năm (từ 2003 đến nay). Xây dựng Đề án “Nghiên cứu xác định nhu cầu đầu tư trang thiết bị cho hệ thống quan trắc và phân tích môi trường tỉnh Điện Biên”, phân bổ kinh phí đầu tư mua sắm trang thiết bị quan trắc, phân tích theo giai đoạn; đến nay cơ bản đã mua sắm đủ thiết bị đo nhanh, phân tích ngoài hiện trường đối với môi trường không khí và môi trường nước. Thực tế công tác quản lý bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã có chuyển biến tích cực, hiệu quả: Đã cụ thể hoá các văn bản chỉ đạo, các nội dung nhiệm vụ quản lý về bảo vệ môi trường tại địa phương; đã trú trọng thực hiện phương châm: Đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội gắn với tăng cường bảo vệ môi trường để phát triển bền vững. Các nội dung nhiệm vụ quản lý bảo vệ môi trường ở địa phương đã có chiều sâu, từ công tác triển khai thực hiện phòng ngừa, bảo vệ, đến việc xử lý khắc phục ô nhiễm. Đã tập trung giải quyết được cơ bản các điểm bức xúc về ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh. Đồng thời tăng cường năng lực quản lý, tham mưu đề xuất của các cơ quan chuyên môn về môi trường các cấp. Đẩy mạnh sự phối hợp và trách nhiệm các sở ngành, các cấp trong công tác quản lý bảo vệ môi trường. Công tác xã hội hóa về bảo vệ môi trường đã được cải thiện và bước đầu có hiệu quả; ở nhiều nơi, cả ở đô thị và vùng nông thôn môi trường đã có sự cải thiện. Môi trường chung trên địa bàn tỉnh căn bản bền vững đang ngày càng phát triển xanh - sạch - đẹp. Tuy nhiên, Sở cũng nhận thấy những bất cập trong công tác quản lý như: Các tổ chức chuyên môn thuộc lĩnh vực môi trường thực hiện nhiệm vụ thanh, kiểm tra còn chưa rõ ràng, chồng chéo; đầu tư cho bảo vệ môi trường mặc dù bước đầu đã có chuyển biến tích cực song còn ở mức thấp, chưa theo kịp yêu cầu của thực tiễn, nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản chưa chú trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng về bảo vệ môi trường; các doanh nghiệp chưa thật sự chú ý đầu tư thay đổi công nghệ, thiết bị, công trình xử lý chất thải nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường... vẫn còn tình trạng một số cấp chính quyền, doanh nghiệp chưa nhận thức đúng mức về công tác bảo vệ môi trường và phát triển bền vững; ý thức bảo vệ môi trường chưa trở thành thói quen, nếp sống của đa số dân cư. Để khắc phục những tồn tại bất cập và phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Điện Biên tiếp tục tăng cường công tác quản lý bảo vệ môi trường coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm cấp bách trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước nhằm thực hiện tốt Nghị quyết số 24 Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng Khoá XI đề ra đến năm 2020 nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, trong đó tập trung vào những nội dung cơ bản sau: Thứ nhất, tạo chuyển biến mạnh mẽ về ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người dân trong bảo vệ môi trường: Đẩy mạnh phổ biến, giáo dục pháp luật, bảo đảm mọi người dân, doanh nghiệp hiểu đúng và đầy đủ các quy định của pháp luật, yêu cầu, tiêu chuẩn, quy chuẩn về bảo vệ môi trường; nhận thức đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ bảo vệ môi trường và có ý thức thực hiện trên thực tế. Tuyên truyền, vận động xây dựng lối sống thân thiện với môi trường, tiêu dùng bền vững, hình thành ý thức bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh trong nhân dân, tiến tới xây dựng xã hội ít chất thải, các-bon thấp, hài hòa, thân thiện với môi trường. Thứ hai, thể chế hoá yều cầu bảo vệ môi trường trong việc lập, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh hiện chưa đáp ứng được các yêu cầu về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững đồng thời quản lý chặt chẽ việc thực hiện đánh giá tác động môi trường của các dự án đầu tư. Đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực thẩm định hồ sơ các dự án đảm bảo đúng tiến độ. Thứ ba, hoàn thiện pháp luật, thể chế quản lý, tăng cường năng lực thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường: Hoàn thiện cơ chế, chính sách, lồng ghép yêu cầu bảo vệ môi trường trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng phát triển bền vững; đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các tổ chức cá nhân, kiên quyết xử lý những đối tượng gây ô nhiễm môi trường và buộc phải đầu tư khăc phục ô nhiễm. Phối hợp chặt chẽ giữa công tác kiểm tra, thanh tra của cơ quan quản lý nhà nước về môi trường các cấp với hoạt động đấu tranh phòng chống tội phạm môi trường của lực lượng cảnh sát môi trường. Thứ tư, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ về bảo vệ môi trường: Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học về môi trường, phát triển và ứng dụng công nghệ cao trong bảo vệ môi trường, phát huy vai trò của khoa học và công nghệ trong việc thúc đẩy, nâng cao chất lượng và hiệu quả của nền kinh tế, thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh. Phát triển, tiếp nhận chuyển giao công nghệ mới, tiên tiến về phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm, khai thác, sử dụng hiệu quả và bền vững các nguồn tài nguyên, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, tiết kiệm năng lượng, sản xuất và sử dụng năng lượng sạch, tái tạo. Đẩy nhanh tiến độ đổi mới công nghệ sản xuất, công nghệ xây dựng theo hướng ứng dụng công nghệ sản xuất, xây dựng tiêu tốn ít nguyên, nhiên liệu, năng lượng, ít chất thải, các-bon thấp. Thứ năm, tăng cường và đa dạng hóa đầu tư cho bảo vệ môi trường, cụ thể: Chú trọng hoàn thiện các cơ chế, chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư bảo vệ môi trường, đặc biệt là trong việc khắc phục ô nhiễm, phục hồi và cải thiện môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học. Phát huy vai trò của Quỹ Bảo vệ môi trường, củng cố, tăng cường năng lực, bổ sung nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, tạo cơ chế huy động các nguồn vốn; mở rộng phạm vi hoạt động, loại hình hỗ trợ đáp ứng nhu cầu đa dạng của các tổ chức cá nhân trong bảo vệ môi trường. Từng bước hình thành thị trường vốn cho bảo vệ môi trường, khuyến khích thành lập quỹ tài trợ cho các sáng kiến, mô hình dựa vào cộng đồng, các phong trào, hoạt động bảo vệ môi trường vì lợi ích chung của xã hội. Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường, huy động sự tham gia của các thành phần kinh tế đầu tư cho bảo vệ môi trường. Có cơ chế, chính sách phù hợp để tăng cường huy động vốn cho bảo vệ môi trường, nhất là các nguồn vốn ngoài ngân sách. Trong giai đoạn 2003-2018, công tác bảo vệ môi trường ở tỉnh đã có những bước tiến đáng kể; cùng với những thành tựu về kinh tế - xã hội, công tác bảo vệ môi trường đã chuyển biến từ nhận thức đến hành động. Mặc dù vậy, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, công tác bảo vệ môi trường vẫn chưa thể đáp ứng đầy đủ những yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn và xã hội. Kiên trì với mục tiêu và giải pháp đúng đắn đã đề ra chính là hướng đi đúng đắn để giải quyết các vấn đề môi trường bức xúc nhằm bảo đảm sức khoẻ và cuộc sống của nhân dân, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên đây là một nhiệm vụ vừa phức tạp, vừa cấp bách nên cần có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước, sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể và sự hưởng ứng của nhân dân trong toàn tỉnh. Trong thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tập trung tham mưu xây dựng các chương trình hành động thật chi tiết, cụ thể nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực đối với công tác bảo vệ môi trường, quyết tâm xây dựng Điện Biên thành một tỉnh phát triển bền vững, có sự hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, tiến bộ, công bằng xã hội và có môi trường sống trong lành, tốt đẹp hơn góp phần vào sự phát triển bền vững chung của cả nước. 

  • Tác giả: CCBVMT
  • Tin dự báo mưa lớn trên khu vực tỉnh Điện Biên
  • Công điện về việc tập trung ứng phó khẩn cấp bão số 3 năm 2024
  • Thời gian thực hiện thủ tục đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất
  • Quy định mới đăng ký, cấp giấy chứng nhận đối với thửa đất có diện tích tăng thêm do thay đổi ranh giới so với giấy chứng nhận đã cấp của hộ gia đình, cá nhân
  • Điện Biên triển khai thực hiện kiểm kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2024 trên địa bàn toàn tỉnh
  • Quy định về đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất lần đầu đối với người gốc việt nam định cư ở nước ngoài
  • Quy định mới về trình tự, thủ tục đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất đối với trường hợp tặng cho quyền sử dụng đất cho nhà nước hoặc cộng đồng dân cư hoặc mở rộng đường giao thông
  • TỈNH ĐIỆN BIÊN TỔ CHỨC HỘI NGHỊ TẬP HUẤN TRIỂN KHAI THI HÀNH LUẬT ĐẤT ĐAI NĂM 2024
  • Triển khai cuộc thi trực tuyến Tìm hiểu Luật đất đai năm 2024
  • Điện Biên Triển khai thực hiện kiểm kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2024 trên địa bàn toàn tỉnh
  • Trang: 
  • 11-20 of 709<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >
  • Chứng nhận Tín nhiệm mạng
  • CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG TỈNH ĐIỆN BIÊN
  • Trưởng Ban Biên tập: Ông Vũ Ngọc Vương - Giám đốc Sở
  • Địa chỉ: Số 315 - Đường Võ Nguyên Giáp - Phường Him Lam - Thành phố Điện Biên Phủ - Tỉnh Điện Biên
  • Điện thoại: 0215.3810.093 Fax: 0215.3810.291 Email: stnmt@dienbien.gov.vn
  • Giấy phép thiết lập trang tin điện tử trên Internet số: 378/GP-STTTT Ngày 31 tháng 3 năm 2021 của Sở Thông tin và Truyền thông Điện Biên
  • (Bản quyền nội dung thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Điện Biên. Ghi rõ nguồn "http://stnmt.dienbien.gov.vn" khi sử dụng lại thông tin)
  • Thiết kế bởi - Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên