Trước đây, phần lớn các hộ gia đình trên địa bàn tỉnh Điện Biên chăn nuôi theo kiểu thả rông, chuồng trại chăn nuôi cạnh nhà, cạnh bếp, dưới gầm sàn. Do đó, chất thải chăn nuôi vẫn thải trực tiếp ra môi trường, nước thải bốc mùi hôi, phát sinh nhiều loại ký sinh trùng gây bệnh… gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Tình trạng thả rông, chăn nuôi thả trên đất dốc, khu vực đầu nguồn nước... không những làm suy giảm chất lượng nguồn nước, gây ô nhiễm môi trường mà còn làm phát sinh dịch bệnh vật nuôi, ảnh hưởng đến hiệu quả chăn nuôi, gây mất an toàn thực phẩm và có nguy cơ lây nhiễm sang người.
Vài năm trở lại đây, cùng với sự phát triển kinh tế, xã hội, chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã từng bước có những chuyển biến tích cực, chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển theo hình thức chăn nuôi gia trại, trang trại quy mô vừa. Cùng với đó, công tác bảo vệ môi trường trong chăn nuôi cũng được các hộ gia đình quan tâm hơn, dịch bệnh được kiểm soát tốt, góp phần thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững.
Mô hình chăn nuôi lợn sinh học tại Thị trấn Mường Chà, huyện Mường Chà: Nước thải sau khi qua bể chứa biogas được chuyển vào hồ chứa sinh học trước khi thải ra môi trường. |
Năm 2017, số lượng đàn gia súc đạt 570.527 con, tăng 3,63% so với năm 2016. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2018, tổng số đàn lợn, gia cầm, trâu, bò toàn tỉnh Điện Biên là 581.467 con, tăng 2,58% (15,378 con) so với cùng kỳ năm 2017.
Do đó, lượng chất thải rắn chăn nuôi thải ra môi trường không ngừng tăng lên, lượng chất thải chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Điện Biên phát thải khoảng 2.620.688 tấn/năm. Phần lớn chất thải chăn nuôi được sử dụng làm phân bón. Tuy nhiên, việc xử lý chất thải chăn nuôi có sự khác nhau theo qui mô chuồng trại.
Cần tích cực nâng cao ý thức bảo vệ môi trường tại các cơ sở chăn nuôi. |
Với qui mô chăn nuôi trang trại và gia trại thì việc xử lý chất thải chăn nuôi phần lớn áp dụng theo phương pháp sinh học (xây bể biogas, ủ làm phân bón...). Đối với các hộ gia đình chăn nuôi nhỏ lẻ gắn với sản xuất nông nghiệp, chất thải chăn nuôi chủ yếu được chuyển từ chuồng nuôi ra đồng bón cho cây trồng. Thực tế cho thấy, lượng chất thải phát thải trong chăn nuôi ở Điện Biên được xử lý theo đúng quy định là rất ít
Tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi vẫn còn xảy ra, nhất là với qui mô hộ gia đình. |
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Điện Biên, đặc biệt khu vực lòng chảo Điện Biên, các hộ chăn nuôi có qui mô lớn hàng ngày thải ra một lượng lớn chất thải không được xử lý và đổ trực tiếp vào hệ thống thoát nước kênh, mương trong vùng. Trong đó, phương thức chăn nuôi chủ yếu vẫn là phân tán, nhỏ lẻ, tập trung chủ yếu ở các hộ gia đình từ 1-3 con trâu bò, 3-7 con lợn và 15-20 con gia cầm, nên việc quản lý chất thải trong chăn nuôi xảy ra nhiều khó khăn bất cập.
Ghi nhận tại xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, bên cạnh một số hộ có ý thức cao trong bảo vệ môi trường trong chăn nuôi thì vẫn còn tình trạng nhiều hộ chăn nuôi lợn không xử lý chất thải triệt để, bốc mùi khó chịu, một số hộ bể chứa chất thải không đủ để chứa, làm tràn chất thải nuôi lợn ra ngoài ngấm vào đất ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt, còn gây nhiều ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân.
Bà Hà Bích Nhung, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Hưng, cho biết: Trong xã, còn một số hộ dân chăn nuôi còn thiếu ý thức, dù xã đã nhắc nhở nhiều lần nhưng vấn đề ô nhiễm môi trường do chất thải chăn nuôi vẫn còn tái diễn. Xã đã quy định về xử phạt đối với người dân cố tình xả chất thải, rác thải ra môi trường từ 200.000 – 2 triệu đồng.
Do đặc điểm là một tỉnh miền núi, địa hình chia cắt mạnh, quỹ đất hạn chế gây khó khăn trong việc lựa chọn vị trí đầu tư xây dựng các công trình xử lý chất thải. Mặc dù đã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến công tác bảo vệ môi trường đến các tầng lớp nhân dân cộng đồng dân cư, song mức độ nhận thức về bảo vệ môi trường vẫn chưa thật sự tạo ra chuyển biến mới trong hành động và thực hiện tốt trong công tác bảo vệ môi trường của cộng đồng.
Trong đó, phần lớn các trang trại chăn nuôi qui mô vừa và nhỏ không đủ điều kiện về tài chính để thực hiện đầu tư, vận hành các công trình xử lý chất thải đạt qui chuẩn về môi trường.
Để có những giải pháp hữu hiệu trong việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, UBND tỉnh Điện Biên đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố về các nội dung liên quan đến lĩnh vực bảo vệ môi trường, trong đó có tăng cường bảo vệ môi trường trong chăn nuôi; tuyên truyền vận động các hộ gia đình, cá nhân xây dựng chuồng trại chăn nuôi đúng quy cách, thực hiện tốt việc xử lý chất thải chăn nuôi theo quy định của pháp luật.