Sở TN&MT Điện Biên đã tiến hành rà soát, lập danh sách, gửi văn bản đôn đốc các tổ chức, cá nhân được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác tài nguyên nước thuộc đối tượng phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước. Đồng thời, hướng dẫn cụ thể về công thức tính, thời gian xác định, thành phần hồ sơ, tổ chức có trách nhiệm thực hiện và các tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng nộp tiền cấp quyền khai thác, sử dụng tài nguyên nước theo quy định của Nghị định 82. Thống kê, đến hiện tại UBND tỉnh Điện Biên đã thực hiện cấp 6 giấy phép và phê duyệt 1 phương án thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước tại thị trấn Tuần Giáo cho Công ty Cổ phần cấp nước Điện Biên. Đại diện phía Công ty cũng cho biết: Công ty đang tiến hành hoàn thiện việc tính toán, lập tờ trình đối với các giấy phép còn lại. Về cơ bản Công ty không gặp khó khăn, vướng mắc nhiều khi áp dụng phương pháp tính, đối tượng tính theo quy định của Nghị định và đảm bảo sẽ hoàn thiện hồ sơ thực hiện nộp tiền trước ngày 30/8/2018.
Khu vực cấp phép khai thác nước mặt của công ty Cổ phần cấp nước Điện Biên
Riêng đối với hai Nhà máy thủy điện Sơn La, Lai Châu do có một phần diện tích khai thác nước mặt thuộc địa phận tỉnh Điện Biên nhưng được Bộ TN&MT cấp phép hoạt động; và theo quy định của Nghị định số 82, triển khai thu tiền cấp quyền sẽ thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường). Phía tỉnh Điện Biên vẫn có văn bản đôn đốc các đơn vị thực hiện. Bà Đặng Thị Hồng Loan, Trưởng Phòng Tài nguyên nước, Khí hậu thủy văn và Biến đổi khí hậu, Sở TN&MT Điện Biên, cho biết: Quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 82 trên địa bàn tỉnh không quá phức tạp, bởi số lượng hồ sơ được cấp phép hoạt động không nhiều và chỉ rơi vào tổ chức có nghĩa vụ phải thực hiện là Công ty Cổ phần cấp nước Điện Biên. Do đó, khi tổ chức triển khai có vướng mắc, Phòng chuyên môn đã kịp thời giải đáp, hướng dẫn cụ thể tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị thực hiện. Thời gian tới, Phòng sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc đôn đốc các tổ chức, hộ gia đình có hoạt động sản xuất kinh doanh, sản xuất nông – lâm nghiệp liên quan đến khai thác, sử dụng tài nguyên nước mặt (theo quy định tại điều 44, Luật Tài nguyên nước và Khoản 2 Điều 16, Nghị định 201/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước) tuân thủ nghiêm theo quy định của pháp luật, tránh thất thu nguồn thuế tài nguyên cho cho Nhà nước.
Khu TĐC thủy Điện Sơn La của người dân Điện Biên hiện còn gặp khó khăn
Ngoài ra, Sở cũng chủ động tham mưu cho UBND tỉnh đề xuất với 2 Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính xem xét phân chia tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đối với 2 nhà máy thủy điện Sơn La (20%) và Lai Châu (1%) cho tỉnh Điện Biên. Quá trình triển khai xây dựng hai Nhà máy thủy điện trên, tỉnh Điện Biên có một phần diện tích thuộc vùng ngập lòng hồ. Mà theo quy định của NĐ 82: “tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước được nộp hàng năm theo số tiền được ghi trong quyết định phê duyệt cấp quyền khai thác tài nguyên nước. Căn cứ khả năng của mình, chủ giấy phép lựa chọn phương thức nộp tiền theo tháng, quý hoặc theo năm tại Kho bạc Nhà nước địa phương nơi có công trình khai thác tài nguyên nước.”, có nghĩa tỉnh Điện Biên không được thụ hưởng số tiền thu được từ cấp quyền khai thác tài nguyên nước đối với 2 nhà máy thủy điện trên. Mặt khác, Điện Biên hiện là tỉnh còn gặp rất nhiều khó khăn về ngân sách địa phương, do đó để chủ động các hoạt động bảo vệ tài nguyên nước, cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước, giám sát hoạt động khai thác (theo Khoản 3 Điều 14, Nghị định 82), đồng thời thực hiện hỗ trợ tạo sinh kế cho người cho người dân vùng di dân tái định cư sớm ổn định cuộc sống tại nơi ở mới. Nam Hương - Báo TN&MT