Có mặt tại cầu Nà Tấu, chúng tôi không khỏi giật mình khi thấy bãi rác lớn quanh 2 bên chân cầu. Những rác thải hữu cơ như thức ăn, rau quả, xác động vật... đến những rác vô cơ như giấy, nhựa, túi ni lông được vứt tràn lan đã làm tắc nghẽn dòng suối Nậm Rốm, khiến nước suối đen ngòm và ứ đọng, không lưu thông được. Chỉ đứng tại đây khoảng 5 phút, chính chúng tôi cũng không chịu được mùi hôi thối nồng nặc, ngột ngạt đang bốc lên từ bãi rác.
Rác thải do người dân tự ý đổ xuống chân cầu Nà Tấu
Gia đình chị Cà Thị Thắm, sinh sống sát chân cầu cho biết: “Rác thải ở đây do người dân các bản Trung tâm 1, bản Trung tâm 2 và những người kinh doanh buôn bán tại chợ Trung tâm Nà Tấu ngang nhiên mang tới đổ. Từ khi chính quyền xã Nà Tấu cắm biển “Cấm đổ rác” thì người dân đổ trộm. Nhiều đêm tôi thấy họ mang cả bao tải rác to tới đổ xuống chân cầu. Rác thải nhiều gây mùi hôi thối lắm, nhất là khi trời nắng to. Ngày nào, gia đình tôi phải đóng chặt cửa nhà khi ăn cơm”. Cũng như gia đình chị Thắm, các hộ sinh sống sát chân cầu cũng không thể chịu đựng được mùi rác thải bốc ra từ bãi rác chỉ cách nhà mình chưa đầy chục mét. Nhiều lần, các hộ này bảo nhau tự xử lý, đốt rác để tình trạng được giảm bớt, nhưng cứ đốt, xử lý được vài hôm thì đống rác lại được người dân tới đổ “đâu vào đấy”. Trao đổi với ông Lê Văn Thái, Trưởng bản Trung tâm 1 chúng tôi được biết, tình trạng người dân đổ rác dưới chân cầu Nà Tấu đã diễn ra từ năm 2007.
Lý do là trên địa bàn chưa có chỗ tập kết, xử lý rác thải và người dân chưa có ý thức trong việc thu gom, xử lý rác thải do chính gia đình mình thải ra. Mặc dù chính quyền xã Nà Tấu và bản đã thường xuyên đi tuyên truyền, nhắc nhở bà con trong việc tự xử lý rác thải gia đình, nhưng ý thức của bà con vẫn chưa biến chuyển. Đồng thời với tâm lý “khuất mắt trông coi” bà con vẫn đổ rác xuống chân cầu Nà Tấu ngày một nhiều, khiến tình trạng rác thải ô nhiễm hiện nay đang trở thành “vấn nạn” của bản Trung tâm 1 nói riêng và xã Nà Tấu nói chung. “Trong các cuộc họp bản, chúng tôi đã tuyên truyền cho bà con việc phân loại rác thải gia đình thành 2 loại hữu cơ và vô cơ. Loại hữu cơ đem ủ thành phân bón ruộng, còn loại vô cơ đem đốt, rồi đào hố chôn để tránh ảnh hưởng tới môi trường. Nhưng đa số bà con thực hiện chưa được tốt. Riêng bản tôi đã có 100 hộ dân với gần 300 khẩu, còn chợ Trung tâm Nà Tấu nằm trên địa bàn bản có hơn 60 hộ kinh doanh lớn, nhỏ.
Mỗi ngày, lượng rác thải ra của bản tôi và chợ ít cũng khoảng nửa tấn. Vì vậy chúng tôi đã nhiều lần đề nghị chính quyền xã xem xét, bố trí làm bãi tập kết, thu gom, xử lý rác thải cho bản tôi theo chương trình nông thôn mới, nhưng vì chính quyền xã chưa bố trí được mặt bằng, nên đã nhiều năm, bản tôi vẫn chưa có chỗ tập kết, xử lý rác thải” – ông Thái cho biết. Không chỉ riêng bản Trung tâm 1, mà cả xã Nà Tấu hiện nay vẫn chưa có bãi thu gom, xử lý rác thải. Vì vậy nhiều người dân chưa có ý thức đã đem rác thải sinh hoạt đổ ven đường quốc lộ 279 hoặc xuống suối Nậm Rốm. Nhưng tình trạng rác thải nặng nề nhất vẫn là ở dưới chân cầu Nà Tấu, không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn làm mất mỹ quan giao thông và ảnh hưởng tới văn hóa du lịch trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Bởi xã Nà Tấu là khu vực cửa ngõ của huyện Điện Biên theo tuyến đường quốc lộ 279, có đường đi tới các khu thăm quan, du lịch của tỉnh như: Hầm đại tướng Võ Nguyên Giáp, hồ Pá Khoang, Tượng đài Kéo pháo. Bên cạnh đó, hiện nay lòng suối Nậm Rốm bị rác thải dưới chân cầu Nà Tấu tràn xuống gây ô nhiễm nguồn nước suối, ảnh hưởng tới thủy sinh và đời sống của người dân dưới hạ nguồn.Vì vậy, việc có một bãi tập kết, thu gom xử lý rác thải tập trung cho khu vực xã Nà Tấu hiện nay đang rất cần thiết.
Rác thải đã gây gây tắc nghẽn suối Nậm Rốm, gây ô nhiễm môi trường
Tại UBND xã Nà Tấu, chúng tôi được ông Giàng A Chợ, Chủ tịch UBND xã cho biết, vấn đề rác thải hiện nay đang là rào cản lớn nhất của chính quyền xã trong việc xây dựng nông thôn mới. Trước đây, UBND xã đã thành lập Tổ Quản lý môi trường do đồng chí Trưởng ban Công tác Mặt trận xã đảm nhận; thường xuyên đi kiểm tra, nhắc nhở và ngăn chặn các hành vi đổ rác sai quy định của người dân, đặc biệt là tại khu vực chân cầu Nà Tấu; đồng thời tổ chức tuyên truyền cho người dân 32 bản việc đào hố chôn, phân loại rác thải gia đình. Tuy nhiên tình trạng người dân đổ rác sai quy định vẫn chưa biến chuyển, bởi chính quyền xã Nà Tấu chưa quyết liệt trong việc tuyên truyền vận động, chưa đưa các hình thức xử phạt có tính chất răn đe, cảnh cáo vào việc xử lý khi phát hiện người dân đổ rác sai quy định. “Đầu năm 2016, chúng tôi đã làm tờ trình gửi UBND huyện Điện Biên, đề nghị cấp kinh phí để xã xây dựng hệ thống bãi, bể chứa xử lý, thu gom rác thải. Trong thời gian tới, nếu được UBND huyện quan tâm đầu tư, chúng tôi sẽ bố trí mặt bằng để xây dựng bãi thu gom, xử lý rác” – ông Chợ cho biết.
Còn nhớ, trước đây tại khu vực chân đèo Tằng Quái, thuộc xã Ẳng Nưa, huyện Mường Ảng cũng có một bãi rác tồn tại nhiều năm gây ô nhiễm môi trường, song từ khi chính quyền xã Ẳng Nưa và huyện Mường Ảng vào cuộc xử lý quyết liệt, đồng thời xây dựng nhà máy thu gom, xử lý rác thải thì bãi rác chân đèo đã bị xóa sổ. Do vậy, để xử lý triệt để bãi rác đã tồn tại 10 năm và đang ngày một phình to tại chân cầu Nà Tấu, rất mong chính quyền sở tại cần có nhiều biện pháp quyết liệt, cứng rắn hơn; đồng thời, nhận được sự quan tâm đầu tư từ chính quyền huyện Điện Biên.