ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐIỆN BIÊN

SỞ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG

Chào mừng quý bạn đọc đến với Trang thông tin điện tử Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Điện Biên
  • Ngành tài nguyên và môi trường tỉnh điện biên - 20 năm xây dựng và trưởng thành
  • Thời gian đăng: 27/09/2023 02:58:57 PM
  •  Năm 2023 là năm có ý nghĩa quan trọng đối với ngành Tài nguyên và Môi trường tỉnh Điện Biên, là năm để ngành nhìn nhận, đánh giá lại quá trình hình thành, phát triển và tiếp tục khẳng định vai trò, trách nhiệm của ngành trong phát triển kinh tế xanh; khai thác tài nguyên thiên nhiên bền vững với phương trâm không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế.

    Cách đây tròn 20 năm, ngày 01/10/2003 Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Điện Biên được thành lập theo Quyết định số 63/QĐ-UB của UBND tỉnh Lai Châu (cũ) với nòng cốt là Sở địa chính trước đây, lĩnh vực khoáng sản thuộc Sở Công nghiệp nay là Sở Công thương, lĩnh vực môi trường thuộc Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường nay là Sở Khoa học và Công nghệ, lĩnh vực tài nguyên nước thuộc Sở Nông Lâm nghiệp nay là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được chuyển giao về Sở Tài nguyên và Môi trường quản lý. Sở Tài nguyên và Môi trường với chức năng tham mưu giúp UBND tỉnh quản lý Nhà nước trên 07 lĩnh vực: Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, môi trường, đo đạc và bản đồ, khí tượng thuỷ văn và ứng phó biến đổi khí hậu.

     Khi mới thành lập, Sở Tài nguyên và Môi trường phải đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức, cơ sở vật chất, nhân lực và điều kiện làm việc còn nhiều hạn chế chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ hoạt động của Sở đa ngành, đa lĩnh vực. Bộ máy hoạt động của Sở khi ấy gồm 5 phòng chuyên môn, 02 đơn vị sự nghiệp với 78 cán bộ, CCVC. Hệ thống tổ chức bộ máy của ngành còn chưa đầy đủ, nhân lực thiếu và yếu, đặc biệt là cấp huyện, cấp xã. Năm 2004, thực hiện Nghị quyết số 22/2003/QH11 ngày 26/11/2003 về việc chia tách địa gới hành chính một số tỉnh, tỉnh Lai Châu được chia tách thành 2 tỉnh Điện Biên và Lai Châu; có 24 CCVC Sở Tài nguyên và Môi trường được điều chuyển sang tỉnh Lai Châu, còn lại 54 cán bộ, CCVC ở lại tỉnh Điện Biên, vẫn tiếp tục giữ nguyên bộ máy ban đầu.

    Được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh và Bộ Tài nguyên và Môi trường, qua các năm, ngành tài nguyên và môi trường đã nhanh chóng kiện toàn tổ chức, bộ máy, chú trọng xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ ở cơ sở. Tổ chức, bộ máy của ngành không ngừng được củng cố, phát triển cả về số lượng và chất lượng. Cùng với xu thế phát triển chung của ngành, năm 2009, căn cứ các văn bản hướng dẫn của Trung ương và tình hình thực hiệ công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường trên địa bàn tỉnh khi đó, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1131/QĐ-UBND ngày 10/7/2009 để kiện toàn tổ chức bộ máy Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Điện Biên thành lập mới Chi cục Bảo vệ môi trường. với khối lượng công việc ngày càng tăng, năm 2016, thành lập mới Chi cục Quản lý đất đai; nâng cấp Trạm quan trắc trực thuộc Chi cục Bảo vệ môi trường thành Trung tâm quan trắc tài nguyên và môi trường trực thuộc Sở; thực hiện thí điểm sát nhập 03 Tổ chức phát triển quỹ đất, 03 Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện (của thành phố Điện Biên Phủ, thị xã Mường Lay, huyện Điện Biên) về Trung tâm Phát triển quỹ đất, Văn phòng Đăng ký đất đai thành các chi nhánh trực thuộc. Đây là những dấu mốc quan trọng, khẳng định sự trưởng thành, lớn mạnh về tổ chức của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Điện Biên.

    Đến nay, cơ cấu tổ chức bộ máy Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Điện Biên được kiện toàn theo Quyết định số 3334/QĐ-UBND ngày 29/12/2021 của UBND tỉnh. Sở gồm có 06 phòng chuyên môn, 04 đơn vị trực thuộc Sở . Tổng số biên chế được cấp có thẩm quyền giao năm 2023 là 110 (trong đó: 42 công chức, 68 viên chức) bằng 190% so với năm 2003. So với thời điểm năm 2016, Sở đã thực hiện sáp nhập Trung tâm Công nghệ thông tin tài nguyên và môi trường vào Văn phòng đăng ký đất đai, chuyển 03 chi nhánh trực thuộc Văn phòng đăng ký đất đai và Trung tâm Phát triển quỹ đất về UBND thành phố Điện Biên Phủ, UBND thị xã Mường Lay, UBND huyện Điện Biên quản lý; thực hiện giải thể Chi cục Quản lý đất đai, Chi cục Bảo vệ môi trường và sắp xếp lại các phòng chuyên môn của Sở. Giảm 03 đầu mối đơn vị trực thuộc và 06 chi nhánh trực thuộc đơn vị sự nghiệp. Trải qua các giai đoạn, tổ chức bộ máy Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Điện Biên từng bước được củng cố, kiện toàn, tinh gọn, bảo đảm tính thông suốt, ổn định; tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa mục tiêu nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý tài nguyên và môi trường, phát huy hiệu quả của mô hình tổ chức là Sở quản lý đa ngành, đa lĩnh vực góp phần quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

    Khi mới thành lập, chi bộ Sở có 25 đảng viên; đến nay Đảng bộ đã có 68 đảng viên với 06 chi bộ trực thuộc. BCH Đảng bộ gồm 06 đồng chí (01 Bí thư, 01 Phó Bí thư; 04 Đảng ủy viên). Toàn thể cán bộ, đảng viên, CCVC và người lao động trong cơ quan luôn giữ vững lập trường, tư tưởng, khắc phục mọi khó khăn phấn đấu nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác; nghiêm túc thực hiện và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đảng bộ Sở và các chi bộ trực thuộc nhiều năm liên tục được công nhận là Tổ chức cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh.

    20 năm qua, công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực đất đai, đo đạc bản đồ và viễn thám, địa chất khoáng sản, tài nguyên nước, khí tượng thuỷ văn và Biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường dần được thống nhất, hiệu quả hơn, đóng góp quan trọng trong ổn định cơ chế chính sách, góp phần tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, quốc phòng an ninh, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững, tạo môi trường thuận lợi, thu hút, cải thiện đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Với nỗ lực của toàn ngành, đến nay một số chỉ tiêu đã hoàn thành và đạt kết quả đáng ghi nhận:

    (1) Công tác cải cách hành chính: Sở xác định công tác CCHC là nhiệm vụ trọng tâm, đi đầu trong mọi hoạt động của Sở, qua đó Sở đã đẩy mạnh triển khai CCHC, thực hiện Chương trình chuyển đổi số và xây dựng chính quyền điện tử, thực hiện chuyển đổi nhận thức vai trò người đứng đầu trong việc chỉ đạo, điều hành hoạt động của cơ quan đơn vị. Kết quả ghi nhận, Sở đã tham mưu trình HĐND tỉnh, UBND tỉnh ban hành 38 văn bản quy phạm pháp luật còn hiệu lực; hàng năm ban hành hơn 300văn bản hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về tài nguyên và môi trường phù hợp với quy định của pháp luật, bảo đảm tính khả thi, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước. Thực hiện công khai, minh bạch 85 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở; thực hiện cắt giảm từ 10 – 30% thời gian giải quyết đối với 10 TTHC; trên 50% hồ sơ TTHC tiếp nhận, giải quyết trực tuyến; 98% văn bản điện tử ký số được trao đổi, liên thông trên nền tảng hệ thống TDoffice; thực hiện kết nối, chia sẻ thành công Cơ sở dữ liệu địa chính thành phố Điện Biên phủ với CSDL quốc gia về dân cư; năm 2022 chỉ số Tiếp cận đất đai đạt 6.77 điểm, xếp thứ hạng 40/63 tỉnh thành (chỉ số này thuộc nhóm các chỉ số tăng điểm và tăng xếp hạng tương đối tốt); những kết quả nêu trên phản ánh sự nỗ lực của toàn Sở trong triển khai CCHC, phản ánh tính hiệu quả trong công tác chỉ đạo, điều hành và thực hiện nhiệm vụ, chức năng quản lý của Sở trong thời gian qua.

    (2) Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật: Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được Sở chú trọng triển khai. Trong 20 năm Sở đã tổ chức 10 Hội nghị cấp tỉnh; hơn 100 lớp tập huấn cấp huyện cho hơn 22.000 lượt cán bộ chủ chốt cấp tỉnh, CCVC, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham dự. Tổ chức hơn 100 cuộc mít tinh hưởng hứng các ngày lễ lớn về tài nguyên và môi trường tại 10/10 huyện, thị xã, thành phố với hơn 500.000 lượt người tham gia. Cấp phát gần 2.000 cuốn tài liệu, gần 2.000 tờ báo, hơn 41.000 tờ rơi, xây dựng 37 tủ sách; dựng 08 cụm Pano có nội dung tuyên truyền về bảo vệ tài nguyên, môi trường. Thực hiện 480 chuyên mục tài nguyên và môi trường trên sóng Đài phát thanh và truyền hình tỉnh; xuất bản hơn 70 Bản tin tài nguyên và môi trường; xây dựng và cập nhật thường xuyên nội dung trang thông tin điện tử của Sở. Thông qua hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tài nguyên và môi trường đã góp phần vào thay đổi nhận thức, hành vi, thói quen cách ứng xử của mỗi cá nhân, của cộng đồng với các nguồn tài nguyên thiên nhiên ở hiện tại và tương lai.

    (3) Công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất: Hoàn thành việc lập Kế hoạch sử dụng đất hàng năm và kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2021 – 2025 tỉnh Điện Biên; tham mưu đề xuất Phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai theo khu chức năng và theo loại đất đến từng đơn vị hành chính cấp huyện trong Quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.

    (4) Công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất: Công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được đẩy mạnh nhằm đảm bảo cho người sử dụng đất thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ khi được cấp giấy, giúp cho công tác quản lý nhà nước về đất đai ngày càng chặt chẽ, sử dụng đất có hiệu quả. Kết quả, cấp hơn 300.000 GCN với gần 700.000ha, trong đó cấp cho tổ chức hơn 3.500 GCN với hơn 80.000ha; cấp cho hộ gia đình, cá nhân hơn 300.000 GCN với gần 600.000 ha, đạt hơn 91% diện tích đất cần cấp trên địa bàn toàn tỉnh.

    (5) Công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất: Trong 20 năm qua Sở đã tiến hành lập, thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt gần 1.500 phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đấtvới tổng số tiền gần 1.900 tỷ đồng.

    (6) Công tác đo đạc, lập bản đồ địa chính: Triển khai Dự án Xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai tỉnh Điện Biên; đến nay Sở đã thực hiện đo đạc thành lập bản đồ địa chính với tổng diện tích đo đạc với diện tích là 142.088,72 ha đạt tỷ lệ 30% diện tích cần đo đạc (chiếm 15% diện tích tự nhiên)

    (7) Quản lý địa chất, khoáng sản: Tiếp tục quản lý chặt chẽ 28 giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực; hoàn thiện việc lập quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Điện Biên giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; tích hợp quy hoạch khoáng sản trong Quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tham mưu UBND tỉnh phê duyệt tiền cấp quyền đối với 38 Giấy phép khai thác khoáng sản cho 31 tổ chức, cá nhân với tổng số tiền phê duyệt là gần 150 tỷ đồng; tổng số tiền cấp quyền đã thu nộp ngân sách nhà nước gần 64 tỷ đồng.

    (8) Quản lý tài nguyên nước: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về lĩnh vựcTài nguyên nước; Sở đã tham mưu tổ chức lập và thực hiện các nhiệm vụ, dự án, đề tài về tài nguyên nước; sản phẩm của nhiệm vụ, dự án lĩnh vực tài nguyên nước đã góp phần định hướng các cấp, các ngành trong quá trình hoạt động có giải pháp khai thác, sử dụng và bảo vệ bền vững tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh.

    (9) Lĩnh vực khí tượng thuỷ văn và BĐKH:

    Sở đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao là đơn vị chủ trì, đầu mối triển khai xây dựng, cập nhật và tổ chức thực hiện Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH, cập nhật dữ liệu khí tượng thuỷ văn trên địa bàn tỉnh. Chủ động tham mưu Tỉnh uỷ, UBND tỉnh ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 24-NQ-TW của Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành trung ương khóa XI về Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”’, “Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu tỉnh Điện Biên giai đoạn 2011-2015, tầm nhìn đến đến năm 2025”.

     (10)Lĩnh vực môi trường:

    Nhằm thực hiện tốt mục tiêu tăng trưởng kinh tế xanh, bền vững; trong những năm qua, Sở đã thực hiện tốt vai trò tham mưu cho Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh cụ thể hoá các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhàn nước về lĩnh vực bảo vệ môi trường. Tham mưu xử lý kịp thời các vấn đề, sự cố môi trường phát sinh, tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về BVMT.

    Trong 20 năm nỗ lực triển khai công tác bảo vệ môi trường, toàn ngành đã phấn đấu hoàn thành vượt kế hoạch của tỉnh uỷ, UBND tỉnh giao đối với các chỉ tiêu môi trường và phát triển bền vững đến năm 2025 của cụ thể: Tỷ lệ chất thải rắn đô thị được thu gom đạt 96% (tăng 5% so với năm 2013); Tỷ lệ chất thải rắn đô thị được xử lý đạt trên 93,74% (tăng 18,74% so với năm 2017); Tỷ lệ chất thải rắn ở nông thôn được thu gom đạt 23 % (tăng 10% so với năm 2013). Thực hiện nhiệm vụ xử lý triệt để cơ sở gây ô nhiễm môi trường được giao tại Quyết định số 58/2008/QĐ-TTg và Quyết định số 38/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2020, tỉnh Điện Biên đã hoàn thành xử lý triệt để 4/4 cơ sở gây ô nhiễm môi trường thuộc đối tượng phải xử lý theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (đạt 100%).

    Công tác quan trắc môi trường được quan tâm, đầu tư trang thiết bị hiện đại, phục vụ đắc lực cho công tác quản lý nhà nước; kiểm soát ô nhiễm môi trường.

    Công tác thanh tra luôn được quan tâm, chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm túc, đúng quy định của pháp luật. Đã xử lý nghiêm các vi phạm trong khai thác khoáng sản, đất đai, môi trường, tháo gỡ kịp thời những bức xúc trong nhân dân, hạn chế tình trạng khiếu kiện đông người, kéo dài, góp phần ổn định trật tự an toàn xã hội.

    Trong 20 năm xây dựng và phát triển, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Điện Biên đã đạt được những thành tích đáng phấn khởi và tự hào, không thể không khẳng định vai trò lãnh đạo của cấp ủy. Đảng bộ Sở và các chi bộ nhiều năm liên tục được công nhận là Tổ chức cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh, cơ quan luôn đạt tiêu chuẩn cơ quan có nếp sống văn hóa. Toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tích cực tham gia sôi nổi các phong trào thi đua, các hoạt động tình nguyện, ủng hộ các quỹ, các hoạt động văn nghệ, thể thao do cấp trên, các ngành tổ chức và phát động.

    Trong những năm qua, tập thể lãnh đạo và công chức viên chức, người lao động Sở Tài nguyên và Môi trường luôn ý thức được trách nhiệm chia sẻ với cộng đồng. Sở đã thành lập Ban Chỉ đạo và các tổ công tác giúp đỡ xã khó khăn phát triển kinh tế xã hội, xoá đói giảm nghèo; huy động các nguồn lực xã hội hóa với kinh phí hàng trăm triệu đồng và nhiều ngày công lao động trong xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo bền vững với tổng trị giá trên 500 triệu đồng.

    Nhằm thực hiện thắng lợi mọi mục tiêu, nhiệm vụ chính trị được giao, Sở đã phát động các phong trào thi đua trọng tâm, thi đua chuyên đề do Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh phát động. Công tác tuyên truyền, phổ biến, nhân rộng các gương điển hình tiên tiến được thực hiện thường xuyên; công tác khen thưởng ngày càng đi vào thực chất, quan tâm khen thưởng chuyên đề, đột xuất, tập thể nhỏ, cá nhân trực tiếp lao động, sản xuất qua đó kịp thời động viên, tôn vinh các tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua yêu nước; công tác thanh tra, kiểm tra, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác thi đua khen thưởng được chú trọng; công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin được quan tâm đẩy mạnh thực hiện... Qua đó tạo khí thế thi đua sôi nổi trong toàn ngành góp phần thiết thực phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, kết quả sau 20 năm phấn đấu của Sở đạt được: Thủ tướng Chính phủ tặng Huân chương Lao động hạng III; Bằng khen của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bằng khen của UBND tỉnh...

    Trên nền tảng được tạo dựng từ các lĩnh vực có bề dày truyền thống với phương châm chủ động hội nhập sáng tạo, quyết liệt, hiệu quả, ngành tài nguyên và môi trường tỉnh Điện Biên những năm tới sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đấu cùng các ngành, các cấp hoàn thành suất sắc nhiệm vụ Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh giao phó, tiếp tục khẳng định vị thế, vai trò đặc biệt quan trọng của ngành đối với sự phát triển bền vững của tỉnh./.

    1-T-p-th-L-nh-o-c-ng-ch-c-vi-n-ch-c-S-T-i-nguy-n-v-M-i-tr-ng-B-a-trang-1-.jpgTập thể cán bộ, công chức, viên chức Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Điện Biên

  • Tác giả: Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Điện Biên
  • Bộ Tài nguyên và Môi trường - Cụm thi đua số 3 Tổng kết công tác thi đua khen thưởng năm 2014 triển khai nhiệm vụ năm 2015
  • Hội nghị Triển khai kế hoạch ngành Tài nguyên và Môi trường năm 2015 và đón nhận huân chương lao động hạng ba.
  • Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức năm 2015
  • Hội nghị Tổng kết công tác Đảng năm 2014
  • Quyết định số 478/QĐ-UBND ngày 27/6/2014 V/v xét duyệt Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu 2011 - 2015 Phường Thanh Bình
  • Quyết định số 482/QĐ-UBND ngày 27/6/2014 V/v xét duyệt Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu 2011 - 2015 Phường Him Lam
  • Quyết định số 481/QĐ-UBND ngày 27/6/2014 V/v xét duyệt Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu 2011 - 2015 Phường Nam Thanh
  • Quyết định số 479/QĐ-UBND ngày 27/6/2014 V/v xét duyệt Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu 2011 - 2015 Phường Tân Thanh
  • Quyết định số 477/QĐ-UBND ngày 27/6/2014V/v xét duyệt Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu 2011 - 2015 Thị trấn Mường Chà
  • Quyết định số 480/QĐ-UBND ngày 27/6/2014 V/v xét duyệt Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu 2011 - 2015 Phường Noong Bua
  • Trang: 
  • 631-640 of 709<  ...  59  60  61  62  63  64  65  66  67  68  ...  >
  • Chứng nhận Tín nhiệm mạng
  • CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG TỈNH ĐIỆN BIÊN
  • Trưởng Ban Biên tập: Ông Vũ Ngọc Vương - Giám đốc Sở
  • Địa chỉ: Số 315 - Đường Võ Nguyên Giáp - Phường Him Lam - Thành phố Điện Biên Phủ - Tỉnh Điện Biên
  • Điện thoại: 0215.3810.093 Fax: 0215.3810.291 Email: stnmt@dienbien.gov.vn
  • Giấy phép thiết lập trang tin điện tử trên Internet số: 378/GP-STTTT Ngày 31 tháng 3 năm 2021 của Sở Thông tin và Truyền thông Điện Biên
  • (Bản quyền nội dung thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Điện Biên. Ghi rõ nguồn "http://stnmt.dienbien.gov.vn" khi sử dụng lại thông tin)
  • Thiết kế bởi - Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên