Đồng chí Lò Thị Luyến, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu tại buổi làm việc
Nội dung giám sát theo Kế hoạch số 196/KH-ĐGS ngày 26/12/2023 của Đoàn giám sát về giám sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021” trên địa bàn tỉnh Điện Biên.
Tính hết năm 2022 trên địa bàn tỉnh Điện Biên có 58 dự án, nhà máy thủy điện được phê duyệt trong Quy hoạch phát triển thủy điện vừa và nhỏ tỉnh Điện Biên, tổng công suất lắp máy dự kiến là 660,8MW. Trong đó: 17 nhà máy thủy điện đang vận hành khai thác, tổng công suất lắp máy 248,3MW; 24 dự án thủy điện đã được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư/quyết định chủ trương đầu tư, tổng công suất lắp máy dự kiến là 294,6MW; 17 dự án được UBND tỉnh cho chủ trương nghiên cứu khảo sát, lập dự án đầu tư, tổng công suất lắp máy dự kiến 117,9MW.
Ngoài ra trên địa bàn tỉnh có 07 dự án thủy điện tiềm năng (dự án ngoài quy hoạch) có khả năng phát triển thủy điện nhỏ được UBND tỉnh cho chủ trương nghiên cứu, khảo sát lập hồ sơ bổ sung quy hoạch, tổng công suất dự kiến khoảng 75MW; 06 dự án khai thác tiềm năng thủy điện từ các hồ đập thủy lợi trên địa bàn tỉnh được UBND tỉnh cho chủ trương nghiên cứu, khảo sát lập hồ sơ bổ sung quy hoạch, tổng công suất dự kiến khoảng 7,33MW.
Trong giai đoạn 2016-2021 trên địa bàn tỉnh có 14 nhà máy thủy điện vận hành khai thác tổng công suất lắp máy 199,8MW (trong đó: 06 nhà máy vận hành trước năm 2016, công suất lắp máy 80,1MW; 08 nhà máy đưa vào vận hành khai thác giai đoạn 2016-2021 với tổng công suất lắp máy 119,7MW), đã phát điện và hòa vào lưới điện quốc gia khoảng 2.329,03 triệu kWh
Về khoáng sản, hiện trên địa bàn tỉnh ghi nhận được 14 mỏ và điểm than với tổng sản lượng tài nguyên than trên 4 triệu tấn. Hiện có 6 mỏ than. Trong đó có 3 mỏ đã hết hạn, 01 mỏ được UBND tỉnh phê duyệt trữ lượng kết quả thăm dò nâng cấp trữ lượng và 02 mỏ đang hoạt động. Trong giai đoạn 2016 - 2021, sản lượng khai thác khoáng sản than là gần 27.677 tấn.
Về Môi trường: Từ năm 2016- 2022, các công trình thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn đã thực hiện việc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc bản cam kết bảo vệ môi trường và dược cơ quan quản lý nhà nước về môi trường các cấp thẩm định và phê duyệt.
Tại buổi làm việc, Đoàn giám sát đã yêu cầu đại diện lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường bổ sung, làm rõ hơn một số nội dung liên quan đến việc: khai thác, sử dụng tài nguyên nước của các công trình thủy điện đã đi vào hoạt động; 2 điểm mỏ than tại xã Noong U, huyện Điện Biên Đông và xã Thanh An, huyện Điện Biên đã hết thời hạn khai thác nhưng chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Khoáng sản Điện Biên vẫn chưa đóng cửa mỏ; vấn đề hiệu quả kinh tế, tác động môi trường của việc khai thác khoáng sản; công tác kiểm tra, giám sát; giải pháp xử lý tấm pin năng lượng mặt trời áp mái sau khi hết hạn sử dụng, hư hỏng…
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Lò Thị Luyến, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đánh giá cao việc tổ chức thi hành chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng trên địa bàn. Đồng thời, đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường sớm hoàn thiện báo cáo cung cấp đầy đủ thông tin hướng dẫn xử lý pin mặt trời áp mái và cho thuê đất làm kho chứa xăng dầu ở huyện Tuần Giáo./.